Lấy chuyện sứ quán bị tập kích làm cơ hội, mở chợ ngựa thông thương giữa Đại An và Đại Ung, cung cấp nguồn dự trữ tuyệt vời cho chuồng ngựa của Đại An ở đạo Nhạn Tây.
Đây chính là đề xuất của Uông Ấn, cũng là điều mà Vi Quan Chính chưa bao giờ nghĩ tới.
Chuồng ngựa của Đại Ung là niềm mong ước của những nước khác. Có lẽ là bởi vì lý do địa lý nên ngựa của Đại Ung cao lớn và khỏe hơn ngựa của những nơi khác.
Kiêu Kỵ Doanh là quân tiên phong tập kích từ nghìn dặm của Đại Ung, cũng là Doanh đáng tự hào nhất của Đại Ung. Ban đầu Kiêu Vệ Doanh và Kiêu Kỵ Doanh đều là “hai doanh tiên phong” của Đại Ung. Nhưng mười lăm năm trước, Uông Ấn đã giết sạch ba nghìn binh sĩ của Kiêu Vệ Doanh, Kiêu Vệ Doanh đã không còn sự hùng mạnh của năm đó nữa. Hiện nay chỉ còn lại có Kiêu Kỵ Doanh tung hoành.
Cũng chính bởi chuyện Kiêu Vệ Doanh năm đó mà Kiêu Kỵ Doanh bây giờ càng phòng thủ nghiêm ngặt hơn. Uông Ấn đã nhiều lần muốn cài cắm mật thám vào Kiêu Kỵ Doanh đều không có kết quả.
Nghe nói những tuấn mã được trang bị cho Kiêu Kỵ Doanh đều là những giống ngựa quý mà người khác không biết và được Đại Ung nuôi dưỡng một cách bí mật. Chưa nói đến chiến mã của Kiêu Kỵ Doanh, ngay cả giống ngựa bình thường của Đại Ung cũng được Đại Ung bảo vệ rất tốt.
Theo như Uông Ấn biết, các nước nhỏ xung quanh Đại Ung chẳng hạn như Ô Di, đều sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của vào việc mua sắm ngựa từ Đại Ung mỗi năm. Nhưng với những nước có mối quan hệ giống như mối quan hệ giữa Đại An và Đại Ung, cho dù Đại An chồng tiền trước mặt thì Đại Ung cũng sẽ không bán ngựa.
Trước đây, đại tướng quân Triệu Tổ Thuần của Nhạn Tây Vệ thông đồng với Đại Ung, những con ngựa quý chính là một trong số những món quà hối lộ. Sau khi Triệu Tổ Thuần gặp chuyện, những con ngựa được gửi tặng cho ông ta cũng bị chết vì bị đầu độc. Không cần phải nói, việc này là do Đại Ung làm, mục đích chính là không để giống ngựa quý này bị lọt ra ngoài.
Từ giây phút Uông Ấn lên kế hoạch xây dựng chuồng ngựa tại Trữ Châu, hắn đã muốn ra tay với giống ngựa quý này. Hắn còn đang nghĩ xem có con đường tắt nào để mở chợ ngựa giữa hai nước không thì vừa khéo có cơ hội.
“Vi đại nhân, nhất định phải làm lớn chuyện này, càng ầm ĩ càng tốt. Đại Ung sẽ cố hết sức để ém nhẹm vụ việc này xuống nên sẽ bằng lòng bỏ ra một cái giá.” Uông Ấn đáp, trên mặt mang theo chút ý cười.
Quan hệ ngoại giao không phải là chuyện nhỏ, trừ khi Đại Ung nỡ vứt bỏ quan hệ ngoại giao với Đại An, bằng không thì sẽ tuyệt đối không dám gánh cái tiếng bao vây chém giết sứ thần.
Cái giá mà Đại Ung phải trả là thị trường trao đổi buôn bán ngựa mà Uông Ấn muốn.
Chỉ cần mở ra con đường buôn bán trao đổi ngựa giữa hai nước, dùng kế từng bước xâm chiếm thì Đại An cũng có thể dùng những giống ngựa quý của Đại Ung.
Vi Quan Chính vuốt râu, gật đầu lia lịa và nói: “Uông tướng quân nói rất đúng, nếu Đại Ung đã làm ra chuyện bao vây chém giết sứ thần này thì phần thắng đã thuộc về chúng ta rồi. Bổn quan nhất định sẽ làm tốt việc này.”
Lúc này, ông ta đã lấy lại tinh thần từ vụ tấn công tại sứ quán, cũng đã loáng thoáng có suy đoán về ngọn nguồn của vụ việc.
Ông ta không bận tâm chân tướng của việc này là thế nào, cũng không chấn chỉnh Uông Ấn đã dùng bao nhiêu thủ đoạn trong đó. Nhưng những thi thể là người của Đại Ung bày rành rành ra đó chính là kết quả mà ông ta đã nhìn thấy.
Cuối cùng, Vi Quan Chính cười “ha ha” vài tiếng rồi nói: “Uông tướng quân, việc này cứ giao cho bổn quan đi. Bổn quan nhất định sẽ…. khiến Đại Ung chảy máu.”
Hồng Lư Tự là nơi nào? Là nơi chuyên môn giao thiệp, khua môi múa mép với các nước khác. Mà tự khanh Hồng Lư Tự - Vi Quan Chính chính là người lợi hại nhất trong số đó. Ông ta là bàn tính sắt nổi tiếng của Đại An, quả cân đến tay ông ta cũng sẽ bỗng dưng nhẹ đi mất mấy lượng.
Bây giờ đã nắm được cái thóp này của Đại Ung, một phần lợi ích, ông ta cũng có thể biến thành mười phần.
Vì thế, Uông Ấn giao việc còn lại ở sứ quán cho Vi Quan Chính.
Chuyện tiếp theo cũng đúng như sự mong đợi của Uông Ấn, sự việc ngày càng ồn ào.
Dù cho dưới sự bảo vệ tầng tầng lớp lớp của quan viên và binh sĩ Đại Ung thì việc binh sĩ Đại Ung bao vây sứ quán nơi quan viên Đại An ở vẫn bị truyền ra ngoài.
Vi Quan Chính quả thật là một nhân tài, ông ta đã tự mở ra một con đường, lệnh cho quan viên Đại An thức thâu đêm sao chép hàng trăm bản sách viết theo thể chữ lớn, kèm theo những bức vẽ đẹp rồi bảo đề kỵ đem những cuốn sách đó tới những phố phường náo nhiệt của thành Trường Ung để phân phát.
Đồng thời ông ta còn sai người phát những cuốn sách này trước biển hiệu trường Quốc Học của Đại Ung.
Tuy học trò của Quốc Học là những người trẻ tuổi xuất sắc của Đại Ung, nhưng tuổi trẻ thì khí huyết mạnh mẽ, hành xử bốc đồng.
Trong đó cũng có một số người trẻ tuổi, ghi nhớ quy tắc bất di bất dịch là “Hai nước không chém sứ thần của nhau khi giao tranh”. Họ cho rằng việc nước mình bao vây tấn công quan viên Đại Ung, bất luận là vì nguyên nhân gì thì cũng sai hoàn toàn. Đây chính là một trong những biểu hiện của việc tự hủy hoại tác phong và uy tín.
Dưới sự dẫn dắt của người có ý chí, những sĩ tử trẻ tuổi của trường Quốc Học liền chung tay viết một lá thứ, nêu lên hậu quả hết sức nghiêm trọng của việc này và thỉnh cầu tỏ rõ thái độ của nước nhà.
Thừa Thái Đế vốn dĩ muốn che đậy chuyện này, nhưng đến giờ về cơ bản đã không thể bưng bít được nữa.
Đậu Hiến tưởng chừng như sứt đầu mẻ trán. Ông ta không ngờ sự việc lại đến mức nghiêm trọng như vậy.
Ban đầu, ông ta còn cho rằng ở địa bàn của mình thì hoàn toàn có thể dìm chuyện này xuống. Suy cho cùng, ông ta hiểu rất rõ con người Vi Quan Chính.
Đó là một viên quan khôn khéo trong công việc lại cực kì tháo vát, nhanh trí.
Quan viên thức thời như thế này, tất nhiên là nhìn thấy rất rõ tình hình hiện nay. Bọn họ đang ở trong phạm vi của Đại Ung nên sẽ không làm ra hành động gì quá giới hạn.
Nhưng khi chuyện đã phát triển đến bước này, rốt cuộc Đậu Hiến cũng hiểu được một điều là mình đã nhìn nhầm về con người Vi Quan Chính.
Đó là một con cáo già lọc lõi, đã cố ý làm lớn chuyện lên.
Sau khi lại tiến cung lần nữa, cuối cùng, Đậu Hiến đi thăm hỏi Vi Quan Chính.