Trong sảnh Nghị Sự của Nhạn Tây Vệ, Uông Ấn nhìn các tướng lĩnh, lên tiếng: “Bổn tướng quyết định dẫn các binh sĩ tiến về vùng núi Lân Tuân* để luyện binh trong thời gian ba tháng. Các vị có ý kiến gì không?”
(*) Lân Tuân có nghĩa là lởm chởm.
Các tướng lĩnh nhất thời nhìn nhau, ai nấy đều nhìn thấy vẻ kinh ngạc trong mắt người kia.
Núi Lân Tuân nằm ở phía Nam đạo Nhạn Tây. Địa hình giống như tên, quái thạch lởm chởm, đỉnh núi trùng trùng điệp điệp. Tuy được gọi là núi nhưng không phải một ngọn núi mà là một vùng đất bị vây kín cực kì hiểm trở.
Nơi đây chiếm diện tích rất rộng, xung quanh có rừng rậm um tùm. Trong đó có một mặt là vách núi cheo leo, quanh năm mây mù, khiến người ta nhìn mà phát khiếp.
Bởi vậy, núi Lân Tuân còn có tên là Vùng Đất Quỷ Khóc, ý là đừng nói là người, ngay cả quỷ tới đây cũng phải khóc thét.
Đối với quan viên đạo Nhạn Tây, sở dĩ nơi này khiến người ta phải sợ hãi không phải cảnh vật bị vây kín hết sức nguy hiểm mà là ở đó tập trung rất nhiều tội đồ vô cùng hung ác của đạo Nhạn Tây.
Không sai, đối với những kẻ phạm phải tội lớn mà lại muốn cố gắng trốn thoát ở đạo Nhạn Tây, núi Lân Tuân chính là nơi tốt nhất để đi.
Bởi vì ở núi Lân Tuân, bất kể là phạm tội cưỡng gian rồi giết chết hay cướp giật đều là bình thường, cũng có thể được chấp nhận.
Đối với quan viên và dân chúng Kinh Triệu, thổ phỉ ở núi Vân Đồ là những kẻ đáng căm hận nhất. Nhưng ở đạo Nhạn Tây, thổ phỉ trên núi Lân Tuân còn hơn cả như thế.
Vốn dĩ núi Lân Tuân chỉ có địa hình hiểm trở mà thôi. Nhưng không biết bắt đầu từ khi nào, nơi đây đã trở thành căn cứ của tội phạm bỏ trốn. Bọn chúng còn chiếm cứ địa hình hiểm trở nơi này, đối đầu với quan phủ, tác oai tác quái một phương.
Khi Triệu Tổ Thuần vẫn còn là đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ, ông ta từng nhận lời thỉnh cầu của quan sát sứ Bùi Giải, đã mấy lần tiến hành tiêu diệt thổ phỉ.
Tuy nhiên, điều khiến người ta bất ngờ là binh sĩ Nhạn Tây Vệ lại không có cách nào bắt được đám tội phạm lẩn trốn ở núi Lân Tuân.
Những tên thổ phỉ xuất thân là tội phạm bỏ trốn này cứ như có thánh thần chỉ bảo bên tai. Trước khi binh sĩ Nhạn Tây Vệ đến, tất cả bọn chúng đều không xuất đầu lộ diện mà tản ra ẩn nấp ở trong rừng rậm hoặc trong sương mù mênh mông, khiến binh sĩ Nhạn Tây Vệ không thu hoạch được gì.
Đến khi binh sĩ rời đi, đám tội phạm này lại tập trung lần nữa, lại làm những chuyện giết người cưỡng gian, cướp giật.
Bởi vì có những tên thổ phỉ đó mà không một ai dám lai vãng đến vùng núi Lân Tuân, ngay cả dân chúng nơi đó cũng đều tìm mọi cách để rời đi. Những người ở lại không phải là không có chỗ để đi mà là cũng không khác gì đám thổ phỉ đó, đều là kẻ phạm pháp.
Vùng núi Lân Tuân có ba huyện, có thể nói là có quy mô ở Trung Châu. Nhưng bởi vì đám thổ phỉ tội phạm lẩn trốn kia nên dân số và thuế má nộp lên trên là ít nhất.
Tình hình ở đây là vết nhơ và chỗ đau của Bùi Giải. Ngay cả quan viên tiến hành kiểm tra đánh gia của Tư Khảo Công cũng biết tình hình nơi đây, cũng biết sự bất lực của Bùi Giải. Song, họ chỉ đành mắt nhắm mắt mở với việc cai trị ở nơi này.
Về sau, Triệu Tổ Thuần xảy ra chuyện, bản thân Nhạn Tây Vệ đã vô cùng rối ren nên Bùi Giải càng không có tinh thần và sức lực mà trông coi chuyện ở núi Lân Tuân. Thổ phỉ và tội phạm chạy trốn ở đây ngày càng hung hăng ngang ngược.
Trái lại, sau khi Uông Ấn nhậm chức đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ, đám thổ phỉ trên núi Lân Tuân đã bớt phóng túng, không làm ra mấy chuyện khiến người ta nghe mà rợn tóc gáy nữa.
Có lẽ bọn chúng cũng e sợ uy danh của Đề Xưởng, của Uông Ấn chăng?
Tất nhiên là các tướng lĩnh của Nhạn Tây Vệ không hiểu được suy nghĩ của bọn chúng. Nhưng bọn họ càng không hiểu được tại sao đột nhiên Uông đại tướng quân lại có ý định dẫn binh đi tiêu diệt thổ phỉ.
Hiện tại, hình như trên núi Lân Tuân vẫn chưa có bất cứ tin tức phong thanh nào được truyền tới…
Trong số những tướng lĩnh này, thời gian Mục Thái Trừng ở Nhạn Tây Vệ là ngắn nhất nên cũng biết ít nhất về tình hình ở núi Lân Tuân. Bởi vậy, khi nghe Uông Ấn nói xong, ông hỏi với vẻ hơi nghi ngờ: “Đại tướng quân, chuyện dẫn binh tiêu diệt thổ phỉ mà… cần phải điều động binh sĩ sao?”
Uông Ấn sai Đường Ngọc lấy ra một quyển sổ ghi chép các vụ án, sau đó phát cho các tướng lĩnh có mặt trong sảnh.
“Mọi người xem những thứ này đi, rồi sẽ biết tại sao bổn tướng lại quyết định như thế.”
Sau khi Mục Thái Trừng và các tướng sĩ khác xem xong quyển sổ ghi chép các vụ án, sắc mặt bọn họ khẽ thay đổi.
Trong các tướng lĩnh, chỉ có Ngu Đản Chi nhìn Uông Ấn với ánh mắt đầy vẻ tìm tòi nghiên cứu. Uông Ấn dẫn binh đi tiêu diệt thổ phỉ thật sự chỉ vì đám thổ phỉ đó gây hại một phương thôi sao?
Ông ta không ngờ Uông Ấn vừa mới đi sứ sang Đại Ung về đã dẫn binh sĩ đi tiêu diệt thổ phỉ ngay. Hành động không hề bình thường này phải nói là việc thứ hai mà Uông Ấn làm ở Nhạn Tây Vệ.
Việc đầu tiên hắn thực sự đã làm ở Nhạn Tây Vệ là luyện binh theo trận đồ. Luyện binh…
Ngu Đản Chi bỗng nhiên thầm giật mình, trong lòng chợt xuất hiện một suy nghĩ đáng sợ: Uông Ấn dẫn binh đi tiêu diệt thổ phỉ, có phải là để luyện binh?
Sau khi nghĩ tới khả năng này, ông ta nuốt lại lời phản đối vốn đã đến bên miệng, biến thành lặng im.
Uông Ấn nhìn thấy vẻ mặt của Ngu Đản Chi thì hơi nheo mắt lại, trong lòng hiểu rõ: Ngu Đản Chi không phản đối, chắc hẳn là đã đoán được mục đích thực sự của việc tiêu diệt thổ phỉ của hắn.
Hiện tại, binh sĩ Nhạn Tây Vệ đã luyện thành công trận đồ, nhưng mới chỉ có hình mà chưa có hồn. Bởi lẽ những binh sĩ này chưa trải qua sự rèn luyện và gột rửa của máu tươi.
Hiện giờ Đại An không có chiến sự, là thời kì thái bình hiếm hoi, muốn để những binh sĩ này lên chiến trường là điều không thể. Có điều, muốn để bọn họ trải qua sự khảo nghiệm của máu tươi và cái chết thì vẫn có thể.
Lúc này, hắn hoàn toàn không ngờ được rằng lần tiêu diệt thổ phỉ để luyện binh này sẽ mang đến cho hắn niềm vui bất ngờ lớn như vậy!