Uông Xưởng Công

Chương 785



Hiện tại, tình hình và xu hướng dư luận ở Kinh Triệu tốt hơn nhiều so với dự đoán của hắn. Có điều, hắn chỉ biết được đại khái mà thôi, còn tình hình chi tiết hơn thì phải nghe mấy người Thẩm Hối và Ngô Bất Hành bẩm báo.

Thẩm Hối vẫn là thiên hộ của Đề Xưởng. Những năm qua, dưới sự dặn dò của Uông Ấn, rất nhiều đề kỵ đã lấy đủ loại lí do để rời khỏi Đề Xưởng, nhưng Thẩm Hối vẫn ở lại đó bởi vì không thể vứt bỏ vị trí thiên hộ này được.

Dù hiện nay thế lực của Cửu hoàng tử và Thập hoàng tử cài cắm rất nhiều vào bên trong Đề Xưởng nhưng Thẩm Hối vẫn đứng đầu các đề kỵ.

“Trước đó, phủ Thừa Ân Công một mực cố gắng đặt điều bôi xấu xưởng công, nói rằng người đứng đằng sau những vụ việc kia chính là xưởng công. Dưới sự thúc đẩy của phủ Trưởng công chúa, hoàng thượng đã vì thế mà bắt đầu đề phòng với phe cánh của Vi hoàng hậu. Về sau có bức mật thư của ẩn vệ Đại Ung, hiện giờ tin tức bên chỗ hoàng thượng truyền đến nói rằng người đứng sau tất cả những việc này là Đại Ung.” Thẩm Hối nói, bổ sung thêm nhiều chi tiết hơn.

Cho dù hắn là thiên hộ, biết được rất nhiều chuyện nhưng vẫn có một số chuyện không thể biết được.

Hắn có thể biết động tĩnh của phủ Trưởng công chúa là bởi vì trưởng sử Triệu Phụng đã bí mật báo tin cho hắn. Về phần bức mật thư của ẩn vệ Đại Ung thì hắn không biết nội tình bên trong.

Nhưng Uông Ấn lại biết rõ.

Nghĩ đến lực lượng trong bóng tối do thế tử Thang Nhân của phủ Hộ Quốc Công chấp chưởng, lại ngẫm nghĩ về việc phong mật thư là do Hàn Châu Tiết chặn lấy được, Uông Ấn liền biết chắc chắn không thể thiếu được bàn tay của phủ Hộ Quốc Công trong chuyện này.

Bất luận bọn họ làm như vậy để trả ơn cho Diệp Tuy hay vì điều gì khác, thì cũng đã làm hết những gì có thể, còn làm tốt hơn Uông Ấn tưởng tượng.

Hắn ghi nhận tình nghĩa đó.

Ngoài ra còn có Trưởng công chúa điện hạ và phủ Định Quốc Công, những hành động nhằm vào phủ Thừa Ân Công của họ, hẳn là đã phỏng đoán rằng người tiếp tay cho cái chết của Ngu Đản Chi có liên quan tới Vi hoàng hậu.

Cuối cùng, hoàng thượng sẽ đồng ý để Hàn Châu Tiết loan truyền về bức mật thư, họ cho rằng hoàng thượng sẽ không còn ý muốn diệt trừ Uông Ấn nữa.

Hoàng thượng biết rõ về đạo lý “cân bằng thế lực” hơn bất cứ ai. Hai phủ Quốc Công lớn đã nắm rõ và rất chính xác tâm tư của đế vương.

So ra thì phủ Thừa Ân Công vẫn kém hơn.

Suy cho cùng, những chuyện xảy ra trước đó thực sự quá lớn, tình hình Kinh Triệu bất ổn, chiều hướng dư luận thay đổi nhiều lần, đã trở nên hết sức có lợi đối với Uông Ấn.

Đợi Thẩm Hối bẩm báo xong, Ngô Bất Hành ở một bên mới bẩm báo: “Chủ nhân, quan viên Kinh Triệu đều theo dõi sát sao chuyện này. Nhưng theo quan điểm của rất nhiều người thì bọn họ cảm thấy hy vọng chủ nhân có thể vượt qua kiếp nạn này là rất mong manh. Bọn sẽ chuẩn bị ‘giậu đổ bìm leo’ bất cứ lúc nào.”

Uông Ấn nghe xong, khẽ gõ ngón tay lên tay vịn ghế rồi hỏi: “Trong cung thì sao? Tình hình trong cung thế nào?”

Thẩm Hối là người hiểu rõ tình hình trong cung nhất, hắn bèn trả lời: “Xưởng công, tin tức bên điện Tử Thần truyền tới, nói rằng hoàng thượng định nâng đỡ Ngũ hoàng tử và thái tử chống lại phe cánh của hoàng hậu. Nhưng không để lộ bất cứ tin tức nào về việc xử trí xưởng công.”

Cầu Ân của điện Tử Thần đã cung cấp rất nhiều tin tức cho bọn họ, mà còn là những tin tức bí mật và kịp thời nhất. Tuy nhiên, Cầu Ân không có tin tức gì trong chuyện xử trí Uông Ấn. Điều đó có nghĩa là bản thân hoàng thượng cũng chưa nghĩ xong về việc này.

Uông Ấn bày tỏ sự đồng ý với quan điểm này. Hắn nói: “Bổn tọa đã biết, việc này không vội.”

Hoàng thượng còn chưa nghĩ ra nên làm thế nào với hắn, nhưng bản thân hắn đã nghĩ xong xuôi nên làm thế nào.

Hồi lâu sau, hắn cất lời sai bảo: “Thẩm Hối, ngươi đi đến chỗ điện hạ một chuyến, nói rằng hiện tại không cần phải làm gì hết, cứ như thế này là rất tốt rồi.”

“Ngô Bất Hành, tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi hành động của phủ Thừa Ân Công và bên chỗ Cửu hoàng tử cũng như Thập hoàng tử. Tất cả đều không được lơi lỏng, những vấn đề khác thì đợi bổn tọa giao phó sau.”

“Các người tạm thời rời đi trước đã!”

Sau khi Thẩm Hối và Ngô Bất Hành rời đi, Uông Ấn ở lại trong Hạ Nhật Trai một lát rồi trở về phòng.

Trước khi họ về, gia nhân trong phủ đã thu dọn ổn thỏa, chiếc giường ở gian ngoài, mùi hương trà Diệm Khê ở trong phòng dường như không có gì khác với trước khi họ rời khỏi Kinh Triệu.

Nhìn những thứ này, trong lòng Uông Ấn như có dòng nước ấm áp chảy qua, ngoài mặt cũng ẩn chứa ý cười.

Dù khó khăn đến đâu, khi có người mình thích bầu bạn bên cạnh, mọi thứ đều không đáng lo.

Diệp Tuy rót một chén trà Dạ Nhập Hàn Triều cho Uông Ấn, hỏi: “Đại nhân, chàng đã nghĩ kĩ chưa? Nếu chàng đã về đến Kinh Triệu thì chắc hẳn bên phía hoàng thượng cũng sắp có quyết định rồi.”

Uông Ấn cầm chén trà lên, nhắm hờ hai mắt, cẩn thận ngửi mùi thơm của trà, sau đó lắc đầu.

Hắn đã nghĩ kĩ rồi, nhưng bên phía hoàng thượng không có động tĩnh gì. Hắn cũng không biết nên nói thế nào về những điều này.

Nhìn dáng vẻ của Uông Ấn, Diệp Tuy không hỏi thêm nữa. Nàng cũng cầm chén trà lên, nhìn khắp gian phòng, cảm khái nói: “Đại nhân, chúng ta đã trở về, còn nhanh hơn cả thiếp tưởng tượng.”

Và cũng nguy nan hơn nhiều so với trong tưởng tượng của nàng.

“Đúng vậy, chúng ta đã trở về.” Uông Ấn gật đầu và nói, vẻ mặt vẫn lãnh đạm, không nhìn ra được cảm xúc gì.

Ngu Đản Chi đã chết, cả nhà họ Ngu bị giết hết, những tai mắt của hoàng thượng cũng vậy. Không có việc nào trong số những việc này liên quan tới Kinh Triệu. Song hắn rất rõ, tình cảnh hiện giờ của hắn vừa hay lại liên quan tới Kinh Triệu, liên quan đến người nọ trong điện Tử Thần.

Có điều, nói thế nào đây? Thật ra những chuyện giống như trò đánh bạc này cũng không nằm ở hoàng thượng mà nằm ở thế cuộc trong triều.

Thế cuộc trong triều, thế cuộc trong triều cũng là một ván cờ, nếu đã là một ván cờ thì sẽ có khả năng phá giải thế cờ.

Trông hắn như đang rơi vào cảnh ngộ sống chết chưa rõ, nhưng từ tình hình hiện tại thì xem ra hắn thực sự có không ít cơ hội để có thể thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm. Về phần dùng cơ hội nào thì hắn còn phải suy nghĩ thật kĩ mới được.

Nhưng hắn không ngờ rằng sáng hôm sau đã nhận được khẩu dụ của Vĩnh Chiêu Đế cho gọi hắn vào cung.