Năm đó, sau khi Uông Ấn từ chức đốc chủ Đề Xưởng, nhà họ Cố nhờ mối quan hệ với Vi hoàng hậu đã để cho Cố Kính Chỉ trở thành trưởng sử của Thập hoàng tử.
Thập hoàng tử Trịnh Huấn và Cửu hoàng tử Trịnh Mậu cùng chấp chưởng Đề Xưởng. Nhà họ Cố làm vậy là muốn kiểm soát Đề Xưởng thông qua Thập hoàng tử, muốn dùng lực lượng khiến người ta khiếp sợ của Đề Xưởng cho bản thân mình.
Trong bốn năm nay, Cố Kính Chỉ đã cài cắm rất nhiều người vào trong Đề Xưởng, mặc dù không phải tất cả bọn họ đều đến từ nhà họ Cố, nhưng coi như mục đích của nhà họ Cố cũng đã đạt được. Đề Xưởng của hiện nay đã khác với Đề Xưởng khi Uông Ấn còn chấp chưởng.
Mới đầu, Thập hoàng tử không nghe theo đề nghị của Cố Kính Chỉ, nhưng dần dà theo thời gian, bị Cửu hoàng tử o ép và được Vi hoàng hậu “ân cần dạy bảo” nên Thập hoàng tử bắt đầu coi trọng Cố Kính Chỉ.
Mấy năm nay, dưới sự đề xuất của Cố Kính Chỉ, Thập hoàng tử thông qua đủ loại thủ đoạn như lôi kéo, chèn ép, nâng đỡ, chém giết để thay thế không ít đề kỵ ban đầu.
Cố Kính Chỉ không nói thì Thập hoàng tử cũng biết, để thật sự quản lý được Đề Xưởng thì nhất định phải diệt trừ những đề kỵ ban đầu của Uông Ấn.
Không biết là bởi vì cảm thấy cục diện đã thay đổi hay vì điều gì khác, mà những đề kỵ vô cùng tin tưởng và kính phục Uông Ấn không có quá nhiều sự phản kháng. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, những đề kỵ ban đầu đã rời đi rất nhiều, Đề Xưởng cũng đã có sự thay đổi lớn.
Tất nhiên, vẫn có một số người trong đề Xưởng mà Thập hoàng tử và Cố Kính Chỉ không dám động vào, chẳng hạn như Niên bá - thiên hộ quản lý đại lao của Đề Xưởng, chẳng hạn như Thẩm Hối - thiên hộ quản lý toàn bộ mọi thứ của Đề Xưởng.
Tuy bọn họ hận không thể dọn sạch hai người này cho hả lòng, nhưng bọn họ biết rất rõ rằng một khi động đến hai người này thì Đề Xưởng sẽ không còn việc gì của bọn họ nữa. Hoàng thượng sẽ không cho phép xảy ra tình huống như vậy.
Hoàng thượng có thể cho phép việc thế lực của Đề Xưởng bị suy yếu, nhưng sẽ không cho phép Đề Xưởng thật sự thuộc về một hoàng tử nào đó. Nếu không đã bãi bỏ ý chỉ để hai hoàng tử thay phiên nhau chấp chưởng từ lâu.
Hiện tại, bên trong Đề Xưởng vẫn là do hai hoàng tử luân phiên quản lý, nhưng bất luận là về cách đối nhân xử thế và tính tình hay bản lĩnh của thuộc hạ, thì Cửu hoàng tử đều kém xa Thập hoàng tử, vẫn luôn bị Thập hoàng tử lấn át.
Khi hai hoàng tử đấu đá tranh giành lẫn nhau, tất có sóng gió nổi lên, và cơn sóng lớn nhất trong đó là việc thuộc hạ của Thập hoàng tử đánh trọng thương trưởng sử của Cửu hoàng tử lúc trước.
Cửu hoàng tử vì thế đã vào cung tố cáo, Vĩnh Chiêu Đế đã cho triệu Thập hoàng tử vào cung khiển trách một hồi, đồng thời tiến hành “nhắc nhở” phủ Thừa Ân Công.
Hành động của đế vương khiến Cố Kính Chỉ cảnh giác, làm việc càng cẩn thận hơn. Nhưng chỉ vài tháng sau, cũng giống như đạo lý “đề phòng cả nghìn ngày cũng có lúc sơ suất”, Cố Kính Chỉ cũng khó tránh khỏi buông lỏng.
Vào lúc ông ta tưởng rằng mọi thứ đều yên bình thì bóng đao ánh kiếm đã dần dần áp sát ông ta.
Ngày hôm đó, giám sát Ngự Sử Đài - Tạ Phong Khánh đã dâng tấu lên Vĩnh Chiêu Đế, vạch tội trưởng sử Cố Kính Chỉ của Thập hoàng tử đã làm bị thương mệnh quan triều đình, không có đạo đức, lạm dụng quyền lực, khẩn cầu hoàng thượng xử phạt Cố Kính Chỉ thật nặng.
Giám sát Ngự Sử Đài là chức quan bát phẩm, chức vị thấp nhưng có quyền lực lớn, có quyền giám sát bá quan trong triều. Bản tấu này của Tạ Phong Khánh đã liệt kê tỉ mỉ những hành vi phạm tội của Cố Kính Chỉ, đặc biệt là kể tường tận việc ông ta làm bị thương mệnh quan triều đình.
Sau khi nhận được tấu chương, Vĩnh Chiêu Đế hơi bất ngờ.
Chỉ là một trưởng sử, một thuộc quan của phủ Thập hoàng tử thôi, mà lại dẫn đến bản hạch tội của giám sát Ngự Sử Đài, việc này không tầm thường.
“Cố Kính Chỉ này… có lai lịch như thế nào?” Vĩnh Chiêu Đế hỏi Cầu Ân, luôn cảm thấy cái tên này khá quen thuộc, nhưng lại không có ấn tượng cụ thể.
Cầu Ân cung kính trả lời: “Bẩm hoàng thượng, Cố Kính chỉ là Nhị gia của nhà họ Cố. Kể từ sau việc di tông dời tộc, danh vọng và thế lực của nhà họ đã không còn được như trước, lại có quan hệ hết sức thân thiết với phủ Thừa Ân Công. Công tử Thanh Yến - Cố Chương và thế tử của phủ Thừa Ân Công có giao tình rất sâu đậm, nghe nói năm đó Cố Kính Chỉ nhậm chức trưởng sử của Thập hoàng tử là nhờ Vi hoàng hậu đặc biệt tiến cử.”
Cầu Ân quá thực quá rõ về lai lịch và gia thế của Cố Kính Chỉ, chỉ với vài ba câu đã nói rõ mối quan hệ quan trọng nhất.
Một câu khái quát là: sở dĩ Cố Kính Chỉ trở thành trưởng sử của phủ Thập hoàng tử là nhờ Vi hoàng hậu và phủ Thừa Ân Công.
Cố Kính Chỉ thực sự là thân tín của phe cánh Vi hoàng hậu.
Nghe Cầu Ân nói xong, trong lòng Vĩnh Chiêu Đế đã hiểu ra: “Tạ Phong Khánh là người của phe Cửu hoàng tử sao?”
Một trưởng sử cũng đáng để hao tâm tổn sức như thế, đương nhiên là để cản đường rồi. Và Vĩnh Chiêu Đế cũng biết rõ là cản đường của ai.
Đối với câu hỏi của đế vương, Cầu Ân trả lời: “Hoàng thượng sáng suốt! Tạ Phong Khánh là họ hàng xa của nhà họ Hồ, bản vạch tội này cũng có ít nhiều liên quan đến người đó.”
Mẹ của Ngũ hoàng tử và Cửu hoàng tử là Huy phi nương nương, mà Huy phi nương nương là người họ Hồ.
Vĩnh Chiêu Đế gật đầu, mở tấu chương ra lần nữa, bất chợt nhớ lại những lời tố cáo của Cửu hoàng tử lúc trước.
Hai người cùng chấp chưởng Đề Xưởng, phải có thế lực ngang nhau mới tốt, một bên bị bên kia chèn ép thì không hay.
Cố Kính Chỉ là trưởng sử của phủ Thập hoàng tử, chắc chắn là có địa vị rất quan trọng. Nên giữ lại người này hay không?
Cầu Ân hơi cúi đầu xuống, không nhìn trộm vẻ mặt của Vĩnh Chiêu Đế.
Là người hầu cận, Cầu Ân biết rõ những lời bản thân vừa nói là đã đủ, nếu còn nói gì nữa thì sẽ quá nhiều.
Vĩnh Chiêu Đế đang đọc bản chương vạch tội, nhất thời chưa thể có quyết định.
Một trưởng sử mà thôi, không cần phải tốn nhiều công sức, nhưng không thể xem nhẹ tình hình của Đề Xưởng.
Trong khi Vĩnh Chiêu Đế đang chần chừ do dự thì phó tướng quân Dư Cảnh Hoài của Nghi Loan Vệ vào cùng, cũng trình lên một bản tấu, trong đó cũng nói về Cố Kính Chỉ.
“Ái khanh, những gì được nói trong tấu chương này… là thật hay giả?” Vĩnh Chiêu Đế nói, nét mặt lờ mờ ẩn chứa sự tức giận.
“Tình hình đúng là như vậy. Gần đây thuộc hạ phát hiện không ít tình hình trong Nghi Loan Vệ bị lộ ra ngoài. Thuộc hạ tìm hiểu ngọn nguồn thì biết được mấy tướng lĩnh này qua lại rất thân thiết với Cố Kính Chỉ. Thuộc hạ cả gan đoán, hẳn là Thập điện hạ cũng biết chuyện đó. Tình hình cụ thể, thuộc hạ còn đang tiến hành điều tra thêm.”
Nghe xong, Vĩnh Chiêu Đế càng cau chặt lông mày hơn, ngay sau đó liền ra lệnh: “Cho gọi Thập hoàng tử vào cung!”
Ông ta phải xem xem, có phải hoàng tử của ông ta thật sự to gan như vậy không?