Lúc này, Vi hoàng hậu thật sự bị oan. Bà ta không hề làm gì, thậm chí còn cẩn trọng và dè dặt hơn bao giờ hết, nhưng tai họa vẫn ập xuống đầu bà ta.
Sau khi rời khỏi điện Tử Thần, Thiệu Thế Thiện đã bí mật gửi tin tức cho Vi hoàng hậu, nói rằng chuyện phế thái tử là điều không lành, Hoàng hậu nương nương phải cẩn thận đề phòng.
Sau khi biết việc có quan viên dâng tấu xin phế bỏ thái tử trên điện Tuyên Chính, Vi hoàng hậu liền bắt đầu cảm thấy hoảng hốt, lập tức nhận ra chuyện này sẽ giống như cơn cuồng phong, rất nhiều người sẽ bị cuốn vào trong đó.
Liệu cung Khôn Ninh có thể suôn sẻ tránh được hay không? Về căn bản không thể đoán trước được điều này.
Đúng như những gì Thiệu Thế Thiện đã nhắc nhở, hiện tại chỉ có thể chú ý cẩn thận, phải nhắc bên phía phủ Thừa Ân Công lấy lại tinh thần, chuẩn bị cho tình huống bất trắc.
Người đứng đằng sau Dương Doãn Cung là ai? Dương Doãn Cung đề xuất phế bỏ thái tử là có mục đích gì? Ý của hoàng thượng thế nào?
Đây là những điều mà Vi hoàng hậu quan tâm nhất hiện giờ, nhưng tạm thời cũng không thể biết được câu trả lời.
Việc phế bỏ thái tử vào thời điểm này hoàn toàn không phải là chuyện tốt đối với bà ta. Nếu tranh vị trí thái tử với các hoàng tử khác thì con trai của bà ta không chiếm ưu thế quá lớn.
Theo quan điểm của bà ta, tốt nhất là cứ để thái tử Trịnh Trọng nhu nhược tiếp tục giữ vị trí thái tử, chờ đến khi con trai của bà ta trưởng thành thì Trịnh Trọng hãy nhường vị trí này lại.
Đây chính là trạng thái lí tưởng nhất.
Nhưng bây giờ, loại quan viên chỉ sợ thiên hạ không loạn như Dương Doãn Cung lại nhảy ra. Thật đáng ghét!
Chập tối ngày hôm đó, một tin tức được lặng lẽ gửi vào cung Khôn Ninh. Sau khi xem xong tin tức này, mặt mày Vi hoàng hậu liền biến sắc.
Người đầu tiên đưa ra đề xuất phế bỏ thái tử lại là thứ sử Giao Châu - Ngũ Diệc. Cháu gái của Ngũ Diệc đã được gả cho cháu trai thứ của nhà họ Cố là Cố Nhiễm, có quan hệ thông gia thân thiết với nhà họ Cố và cũng có quan hệ với tả bộc xạ Thượng Thư - Thiệu Thế Thiện. Nay Ngũ Diệc là người đầu tiên đề xuất việc phế bỏ thái tử… Có quan viên nào trong triều lại không nghĩ nhiều?
Hiện giờ, ai cũng biết là nhà họ Cố và các mối quan hệ thông gia của họ đều dựa vào Vi hoàng hậu, liệu hoàng thượng có nghĩ rằng bà ta mớm lời cho những người nhà họ Ngũ và nhà họ Cố, đề xướng việc phế truất thái tử hay không?
Không, không phải là “liệu” hoàng thượng có nghĩ như vậy hay không, mà là hoàng thượng chắc chắn sẽ cho rằng như vậy.
Vi hoàng hậu quả thật quá rõ sự bí hiểm của thế cuộc trong triều, cho dù về căn bản là bà ta không gợi ý như vậy, nhưng cuối cùng cũng sẽ có người quy kết những việc này cho bà ta.
Bởi vì bà ta là hoàng hậu của Đại An và còn sinh ra một vị hoàng tử.
Giờ phải làm thế nào đây? Việc điều tra của Nghi Loan Vệ là tin tức bí mật, đúng ra bà ta không nên biết được chuyện này nên không thể đi đến điện Tử Thần để cầu xin.
Điều bà ta có thể làm lúc này là đưa ra chứng cứ có sức thuyết phục rằng bản thân hoàn toàn không hề có ý phế bỏ thái tử.
Tạm thời không cách nào xóa bỏ được sự thật là nhà họ Ngũ và nhà họ Cố dựa dẫm vào bà ta. Nhưng so với sự suy đoán phản ánh qua nhà họ Ngũ, còn có một cách có thể thể hiện được ý và chiều hướng của bà ta hơn, đó chính là thái độ của phủ Thừa Ân Công.
“Lục Cầm, ngươi lập tức chuyển lời cho bên quốc cữu gia, nhờ cha và anh trai cả của ta dâng tấu bác bỏ bản tấu của Dương Doãn Cung.” Vi hoàng hậu ra lệnh cho Lục Cầm.
Cha và anh trai của bà ta là Quốc Công và thế tử được thụ phong nhờ công trạng, trong tình huống bình thường sẽ không xuất hiện trong điện Tuyên Chính. Nếu biết Dương Doãn Cung bẩm tấu như vậy thì họ nhất định đã bước ra khỏi hàng để phản đối.
Đáng ghét là bản tấu của Dương Doãn Cung thực sự quá đột ngột, các quan viên đứng về phe bà ta đều đang mải quan sát, không đưa ra lời phản đối nên đã mất đi thời cơ quyết định.
Bây giờ chỉ hy vọng vào bản tấu “mất bò mới lo làm chuồng” của cha và anh trai cả của bà ta, mong rằng vẫn còn chưa quá muộn.
Rất nhanh chóng, tấu chương của Thừa Ân Công - Vi Thịnh đã được gửi đến điện Tử Thần, trên tấu chương viết: “Thái tử là người nhân nghĩa, mặc dù thỉnh thoảng có sai lầm nhưng không gây trở ngại cho việc kế vị… Vì sự yên ổn của nước nhà, tuyệt đối không thể phế bỏ thái tử. Kẻ tiểu nhân xin phế thái tử thật đáng chém, xin hoàng thượng tiếp nhận lời của thần…”
Vĩnh Chiêu Đế gập tấu chương lại rồi hỏi Bùi Đỉnh Thần đang ở trong điện: “Thừa Ân Công dâng tấu vờ khen thái tử, nói rằng tuyệt đối không thể phế bỏ thái tử. Ái khanh nghĩ thế nào về điều này?”
“Hoàng thượng, hiện nay hoàng thượng vẫn đương độ sung mãn, hoàng tử do Hoàng hậu nương nương sinh ra hãy còn nhỏ tuổi. Thừa Ân Công và Hoàng hậu nương nương không muốn phế bỏ thái tử cũng là lẽ thường tình.” Bùi Đỉnh Thần đáp.
Vĩnh Chiêu Đế gật đầu, nhíu mày thoáng nhìn tấu chương kia, trong lòng có điều suy tư.
Lời nói của Bùi Đỉnh Thần rất có lý. Nếu nhìn từ góc độ ai sẽ được lợi sau khi thái tử bị phế bỏ thì Thập Bát hoàng tử không có lợi cho lắm. Hoàng hậu sẽ không làm chuyện này.
Nhưng chân tướng mà Nghi Loan Vệ điều tra ra được nói rằng phe cánh của hoàng hậu đã muốn phế bỏ thái tử từ lâu, hiện tại chỉ đang từng bước hành động mà thôi.
Người không vì mình thì trời chu đất diệt, hoàng hậu đã sinh ra hoàng tử, dĩ nhiên là sẽ mưu tính ngai vàng cho hoàng tử của bà ta và đương nhiên sẽ mong muốn thái tử bị phế bỏ.
Hoàng hậu của ông ta vẫn là một người khá thông minh.
Nếu thật sự là bà ta đứng đằng sau gợi ý trong việc này thì đã quá nóng vội, mà thời cơ cũng không đúng. Ông ta vừa mới ra lệnh giết chết Cố Kính Chỉ để nhắc nhở bà ta…
Chẳng lẽ là bởi vì ông ta cảm thấy cực kì bất mãn với phe cánh của hoàng hậu, nên những người đó sốt ruột, mới dự định làm cái việc xin phế bỏ thái tử này sao?
Bấy giờ, Bùi Đỉnh Thần nói tiếp: “Hoàng thượng, bất luận chuyện xin phế bỏ thái tử là do ai khởi xướng thì hiện tại cũng không thích hợp để phế truất thái tử, sự yên ổn của nước nhà là điều quan trọng nhất.”
Bùi Đỉnh Thần không hài lòng với thái tử, nhưng cũng không hài lòng với những hoàng tử trưởng thành khác. So ra thì, thật ra thái tử hay hoàng tử trưởng thành nào giữ vị trí thái tử này cũng không có gì khác biệt.
Thái tử đã làm thái tử hơn hai mươi năm, Đại An ngày nay lại đang yên bình, nên giữ yên ổn chứ không nên gây hỗn loạn, không cần thiết phải phế bỏ thái tử khiến lòng người rối loạn.
Việc lập, phế thái tử là chuyện lớn liên quan đến người kế vị, không thể tùy tiện đả động, triều Đại Ung láng giềng với Đại An chính là ví dụ điển hình.
Năm đó, sau khi thái tử của Đại Ung từ trần, các hoàng tử liên kết với các thế lực trong triều đều muốn giành được vị trí thái tử. Sức mạnh của Đại Ung cũng đã liên tục bị suy yếu trong những cuộc tranh giành này, dẫn đến tình trạng suy bại bây giờ.
Đã có gương tày liếp ngay bên cạnh, cho nên hiện tại không thể đả động đến việc có liên quan đến chuyện phế, lập thái tử được.
Hồi lâu sau, Vĩnh Chiêu Đế mới gật đầu, nói: “Ý trẫm cũng vậy. Dương Doãn Cung không thích hợp ở lại Lễ Bộ nữa, giáng chức ông ta, điều đến Thiều Châu đi!”
Vĩnh Chiêu Đế dự định dẹp yên vụ này, ém chuyện phế bỏ thái tử xuống thì dĩ nhiên phải xử phạt Dương Doãn Cung - người đã dâng tấu xin phế bỏ thái tử. Bá quan chắc hẳn cũng biết nên làm thế nào.
Có điều, dự định không đuổi kịp sự thay đổi của tình hình, ý chỉ của Vĩnh Chiêu Đế còn chưa kịp truyền ra khỏi điện Tử Thần thì trong triều lại xảy ra chuyện lớn.
Và cho dù ông ta là vua của một nước cũng không thể dễ dàng dẹp yên sự hỗn loạn do vụ việc lần này gây ra.