Uông Xưởng Công

Chương 916: Chương </span></span>916RỜI ĐI



“Ngươi muốn đến đạo Giang Nam?” Vĩnh Chiêu Đế không sao hiểu được.

Mùa xuân năm ngoái Uông Ấn mới trở về từ đạo Nhạn Tây, hiện quay lại chấp chưởng Đề Xưởng còn chưa được ba tháng, vì chuyện gì mà lại muốn đến đạo Giang Nam?

Uông Ấn cung kính trả lời: “Bẩm hoàng thượng, không sai, thần muốn dẫn phu nhân đi du lịch đạo Giang Nam. Đạo Giang Nam phì nhiêu giàu có, văn thơ phát triển, sang năm lại là kỳ khoa cử, thần đi chuyến này thuận tiện tìm người hiền cho hoàng thượng, xin hoàng thượng ân chuẩn.”

Nước không đạo thì ở ẩn, nước có đạo thì ra làm quan, đây là cách làm trước sau như một của văn nhân sĩ tử. Hôm nay đất nước hưởng thái bình, những kẻ này rối rít xuất hiện làm quan, việc quy ẩn kia đã không còn hưng thịnh nữa.

Nhưng mà “Đạo của thánh nhân, như rồng như rắn, chỉ thấy được bề ngoài, biến hóa theo vật, thích nghi thời thế, không có hình dạng nhất định”. Có một số người phải được tuyển chọn theo cách khác với bình thường.

Những người tài này có học thức hơn người, đức hạnh cao cả, được những người cùng thế hệ ở quê nhà nể trọng, thậm chí còn nổi danh cả nước, nhưng bọn họ lại không ra làm quan, cũng không quy ẩn trong núi sâu mà là lập thư viện, dạy đệ tử, soạn sách đối văn.

Tuy họ không làm quan, nhưng những đệ tử con em bọn họ từng dạy dỗ cũng lục tục ra làm quan, cái gọi là “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư”*, trên thực tế ảnh hưởng của bọn họ đối với đất nước càng này càng lớn.

(*) Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư: trời, đất, vua, cha mẹ, thầy. Năm địa vị này được xếp ngang hàng trong Nho giáo, trong văn cảnh đang nhấn mạnh tầm quan trọng của người thầy, ngang hàng với trời, đất, vua, cha mẹ sinh ra.

Bởi vì văn đạo ở đạo Giang Nam hưng thịnh cho nên có rất nhiều người như vậy. Ở nơi này, thư viện mọc như rừng, đại nho đông đảo.

Triều đình từng hạ Lệnh Chinh Tích* xuống nơi đây, nhưng những đại nho kia từ chối không nhận, triều đình cũng không thể làm gì.

(*) Chinh tích là một hình thức tuyển chọn quan lại trong triều đình nhà Hán, hoàng đế tuyển dụng những nhân vật xã hội nổi tiếng để phục vụ trong triều đình.

Vĩnh Chiêu Đế luôn muốn những đại nho này có thể ra làm quan. Điều này không chỉ cân nhắc đến lực ảnh hưởng của thư viện và những đại nho kia mà phần nhiều còn cân nhắc đến tôn nghiêm của thiên gia.

Hôm nay Đại An thái bình, Đại Ung bên cạnh yếu kém, có thể biểu dương nhân đức của đế vương cũng chỉ có chuyện những đại nho được người người kính ngưỡng này ra làm quan.

Nhưng những đại nho này không nhận chinh tích, Vĩnh Chiêu Đế cũng không thể dùng thủ đoạn gì cưỡng ép họ.

Tình huống như vậy, cho dù Uông Ấn không ở Kinh Triệu cũng biết được tường tận. Lòng của đế vương, hắn là người đã thể nghiệm và quan sát kĩ nhất.

Hắn tin tưởng lý do này nhất định có thể đánh trúng tâm tư hoàng thượng.

Quả nhiên, sau khi nghe Uông Ấn giải thích, trong mắt Vĩnh Chiêu Đế thoáng hiện lên sự vui vẻ, trên mặt lại không để lộ ra, chỉ nói: “Chuyện này để trẫm cân nhắc lại đã. Đề Xưởng bây giờ khó mà thiếu ngươi được.”

Uông Ấn đến đạo Giang Nam du lịch, như vậy chuyện Đề Xưởng phải làm sao? Trẫm phải dùng Uông Ấn và Đề Xưởng như thế nào?

Đối với chuyện này, Uông Ấn trả lời: “Hoàng thượng, từ khi thần trở lại chấp chưởng Đề Xưởng tới nay, rõ ràng cảm thấy bản lĩnh của đề kỵ không bằng lúc trước, phải nghiêm ngặt rèn luyện mới được. Cho nên thần khẩn cầu, thời gian thần rời khỏi Kinh Triệu xin hãy để đề kỵ đến một địa phương rèn luyện, chỉ cần nửa năm, sau nửa năm nhất định có thể phân ưu giải nạn vì hoàng thượng.”

“Hả? Nơi nào?” Vĩnh Chiêu Đế nảy sinh hứng thú.

Uông Ấn ngẩng đầu nhìn Vĩnh Chiêu Đế, sau đó đáp: “Bẩm hoàng thượng, là... Tây Sơn Doanh.”

Vĩnh Chiêu Đế ngẩn người, hiện tại ông ta không nghĩ tới việc Uông Ấn lại muốn đưa đề kỵ đến Tây Sơn Doanh.

“Hoàng thượng, thần nghe nói binh sĩ muốn mạnh thì trước tiên phải chịu được nỗi khổ tâm trí khốn khó, gân cốt nhọc nhằn, thân xác đói khát, làm việc gì cũng không thuận lợi*... Đề kỵ đến Tây Sơn Doanh cũng vì thế. Chỉ khi chịu gian khổ đến tận cùng, đề kỵ mới có thể lột xác.” Uông Ấn nghiêm túc đáp.

(*) Trích từ lời Mạnh Tử: Trời định giáng cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên làm cho khốn khó tâm trí, nhọc nhằn gân cốt, thân xác bị đói khát, chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy.

Đây không phải là qua loa lấy lệ với hoàng thượng hay là từ mục đích không thể nói cho người ta biết mà là Uông Ấn thực sự nghĩ như vậy.

Trước kia phủ nhà họ Uông có Diễn Võ Trường, có thể cung cấp nơi huấn luyện chuyên nghiệp cho binh lính được tuyển chọn từ trong quân đội. Những người ưu tú có thể trở thành đề kỵ.

Đề kỵ cứ mấy năm lại thay đổi một lần, thời gian này đủ để đào tạo được một nhóm đề kỵ tinh nhuệ mới.

Nhưng đó là quá khứ, không phải hiện tại.

Diễn Võ Trường của phủ nhà họ Uông đã đóng kín, nơi đó đã không còn một bóng người, quan trọng hơn là hắn đã không còn nhiều thời gian để huấn luyện đề kỵ như vậy nữa.

Chẳng biết tại sao, trong lòng Uông Ấn mơ hồ có một cảm giác nóng vội.

Đến trình độ như hắn, cảm giác trong lòng không chỉ là một loại cảm giác mờ mịt nữa mà là phản ứng nhạy bén xuất hiện từ vô số kinh nghiệm tích lũy.

Hắn không thể nào coi thường loại cảm giác nóng vội này mà cực kì coi trọng.

Đã như vậy, Tây Sơn Doanh điều kiện gian khổ nhất chính là một sàn dã luyện tốt nhất, có thể nhanh chóng đào tạo được một nhóm đề kỵ tinh nhuệ.

Huống hồ, sau khi vết thương của Diệp Hướng Ngu lành cũng sẽ tới Tây Sơn Doanh, cũng thuận tiện giúp đỡ một phần.

Những chuyện này hắn đều sẽ sắp xếp ổn thỏa trước khi đi đạo Giang Nam. Những sắp xếp này sẽ không có sai sót gì trong vòng nửa năm... Hắn và A Ninh du lịch nửa năm là đủ rồi.

Cho dù là thỉnh cầu đến đạo Giang Nam du lịch hay sắp xếp đề kỵ đến Tây Sơn Doanh, Vĩnh Chiêu Đế cũng không đồng ý ngay lập tức, chỉ nói trẫm sẽ cân nhắc rồi cho Uông Ấn rời đi.

Ở bữa tối, Uông Ấn nói với Diệp Tuy: “A Ninh, bổn tọa dẫn nàng đến đạo Giang Nam du lịch được không?”

Diệp Tuy đặt đũa xuống, cười nói: “Đương nhiên là được. Nhưng vì sao đột nhiên lại muốn đến đạo Giang Nam du lịch?”

“Muốn hiểu tình hình đạo Giang Nam chỉ là một phần. Nguyên do chủ chốt là, bây giờ triều cục Kinh Triệu vững vàng, Vi hoàng hậu bị cấm túc, Hiền phi ẩn náu không ra mặt, thái tử, Ngũ hoàng tử đọ sức với nhau, Cửu hoàng tử, Thập hoàng tử cũng có lúc tranh đấu, bổn tọa không thích hợp tham dự vào trong đó nữa.”

Có thể nói, bây giờ triều đình, quốc gia đang ở một thế thăng bằng vi diệu. Vì đám người hoàng hậu, Hiền phi biến mất, trong triều cũng chỉ còn lại mình đốc chủ Đề Xưởng là hắn khiến người khác chú ý nhất.

Có lẽ sau khi hoàng hậu bị cấm túc, hoàng thượng cũng hối hận đã trọng dụng hắn một lần nữa, tiếp theo có lẽ sẽ lại sinh ra kiêng kỵ.

Kẻ tên Tống Đường kia khiến hắn nhớ lại nạn tuyết mười hai năm trước, lại thêm vấn đề thư viện đạo Giang Nam, hắn đành chọn chốn này làm nơi để tránh phân tranh ở Kinh Triệu.”

“Hơn nữa...” Uông Ấn nắm lấy tay Diệp Tuy, thấp giọng nói: “Hơn nữa, bổn tọa rất muốn dẫn nàng đi du lịch khắp nơi, thăm thú non sông gấm vóc nước nhà, hiểu hết phong cảnh nhân tình của triều đại.”

Kết bạn cùng đi với A Ninh, quãng đường nhất định sẽ rất tốt đẹp.

Diệp Tuy mỉm cười gật đầu, đương nhiên là đồng ý với lý do hắn nói, đồng thời trong lòng lại đang nghĩ: Đạo Giang Nam năm Vĩnh Chiêu thứ hai mươi sáu sẽ xảy ra chuyện gì đặc biệt đây?