Uông Xưởng Công

Chương 966: Chương </span></span>966TAI HỌA XUẤT HIỆN



“Bán Lệnh, hiện giờ tình hình bên phủ Hàng Châu thế nào rồi? Chết... Bao nhiêu người chết rồi?”

Trận lũ này xuất hiện quá nhanh và đột ngột, đến người đã cảnh giác như nàng cũng không đề phòng kịp huống chi là người khác.

Uông Ấn vươn tay đặt lên vai của nàng, giọng nói đầy nặng nề: “Bờ đê phía trước bị cuốn đi nên rất nhiều dân chúng đã chết, hiện giờ binh sĩ Giang Nam Vệ đang cứu trợ, chỉ mong những nơi khác trong đạo Giang Nam không chịu ảnh hưởng quá nặng.”

May mà Công Bộ đã bắt đầu sửa chữa đường thủy từ đầu năm, tuy rằng bờ đê bị cuốn trôi khiến phủ Hàng Châu bị thiệt hại nặng nề, nhưng những nơi khác tại đạo Giang Nam lại không có tai họa quá nghiêm trọng, đây cũng có thể xem như là tin tốt.

“Ừ, ừ...” Diệp Tuy gật đầu, cố gắng đè trái tim hoảng loạn của mình lại nhưng không thành.

Nàng cảm thấy cơ thể nặng nề và mệt mỏi vì lo lắng, cuối cùng không chịu được mà dựa vào Uông Ấn, nói với vẻ lo âu: “Bán Lệnh, thiếp rất lo, nếu trận lũ này như kiếp trước thì chắc chắn trăm họ sẽ lầm than, xương trắng ngập đường...”

Đặc biệt là hiện giờ Vĩnh Chiêu Đế còn đang hôn mê. Quốc gia vốn đã bất ổn mà giờ lại thêm tai họa này, quả thật là gặp phải đả kích vô cùng nghiêm trọng, không thể dùng câu “nhà dột gặp mưa đêm” để hình dung nữa.

Uông Ấn vươn tay ôm nàng chặt hơn một chút: “A Ninh, làm hết sức, nghe ý trời. Hiện giờ Hà Giới và Thẩm Túy Sơn đang tích cực cứu trợ, bởi vì trước đó Giang Nam Vệ từng canh giữ kho lương thực nên cũng trở thành lực lượng cứu trợ ngoài ý muốn. Tình hình chưa tệ lắm đâu, nàng cứ yên tâm.”

Tuy Uông Ấn khuyên nhủ Diệp Tuy là thế nhưng tâm trạng của chính hắn cũng không thoải mái chút nào. Cơn mưa rào này vẫn kéo dài, tai họa lớn của quốc gia khiến tình thế hiện tại đã rét vì tuyết lại lạnh vì sương, sợ là sẽ càng thêm nguy hiểm và gian nan.

Tiếng sấm vang rền không dứt khiến Diệp Tuy khó chịu vô cùng. Nàng nắm chặt vạt áo của Uông Ấn, muốn nói gì nhưng lời lại nghẹn trong cổ họng không thốt ra được.

Nàng nên nói gì đây? Hỏi đề kỵ có vào đó cứu trợ hay là bọn họ còn quay về Kinh Triệu tiếp hay không à?

Dù là gì thì đều không thể khiến mưa to ngừng lại, không thể ngăn cản tai họa lần này xuất hiện.

Bởi vì đây là thiên tai nên đương nhiên kế hoạch về Kinh Triệu của Uông Ấn phải hoãn lại, với tình trạng đường sá hiện tại thì đúng là nửa bước cũng khó đi.

So với tình hình ở phủ Hàng Châu thì phủ Tô Châu tốt hơn một chút, không có đê bị vỡ. Dù vậy nhưng mưa to suốt mấy ngày cũng đã làm thiệt hại một số nơi trong phủ Tô Châu, khiến không ít dân chúng thương vong.

Có điều số thiệt hại và thương vong của phủ Tô Châu vẫn nhẹ hơn phủ Hàng Châu rất nhiều.

Sau khi lũ lụt xuất hiện, Tôn Trường Uẩn từng đội mưa đến gặp Uông Ấn và bẩm báo về tình hình mình biết: “Thầy, nghe nói Giang Nam Vệ nhận được mệnh lệnh của hoàng thượng nên phần lớn binh sĩ đều được phái đi cứu trợ, quan viên phủ Hàng Châu cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Ngày mai học trò sẽ xuống các châu huyện thuộc phủ Tô Châu để cứu trợ, xin thầy hãy cẩn thận.”

Uông Ấn gật đầu tỏ ý đón nhận sự quan tâm của Tôn Trường Uẩn, rồi thản nhiên nói: “Bổn tọa biết rồi, lần này ngươi đến các châu huyện nhớ đặc biệt chú ý đến tình trạng kho lương thực, hơn nữa phải chú ý an toàn.”

Cứu trợ là chức trách của quan viên như Tôn Trường Uẩn. Hắn sẽ không vì tình huống hiện tại đang nguy hiểm mà ngăn cản y. Chỉ mong Tôn Trường Uẩn có thể góp một phần sức vì nạn dân. Đây vừa là sự rèn luyện y cần trải qua, đồng thời cũng có thể giúp y lập thành tích.

Hắn suy nghĩ một lát rồi bổ sung thêm: “Sợ là trận lũ này sẽ kéo dài rất lâu, ngươi phải nhớ, dân chúng và ổn định là trên hết.”

Bản thân hắn cũng không biết trận lũ này có gây tổn thất ba phần mười dân chúng đạo Giang Nam và gây đả kích to lớn đến quốc gia như lời A Ninh nói hay không. Điều duy nhất hắn có thể xác định là phải sử dụng mọi lực lượng để cứu trợ..

May mà Cố Tổ Phân vô cùng sợ chết, thứ sử Hàng Châu Triệu Huyên lại khá có năng lực nên đã tổ chức cứu trợ sớm khi có lũ lụt. Cũng may là binh sĩ Giang Nam Vệ phản ứng nhanh nên đã dời hết phần lớn dân chúng tại phía trước đi.

Binh sĩ Giang Nam Vệ...

Bọn họ quả thật đã nói lên rất nhiều thứ qua lần cứu trợ này, đồng thời khiến Uông Ấn thay đổi cách nhìn với Giang Nam Vệ.

Theo bẩm báo của Yến Thiên Quân, những binh sĩ Giang Nam Vệ ấy đã nhường đường khi Hà Giới dẫn Cố Tổ Phân vào kho lương thực. Lượng dự trữ của kho mà bọn họ kiểm tra đều đầy đủ như lời Cố Tổ Phân nói, hoàn toàn không có

chuyện như điều tra của ngự sử giám sát vào đầu năm.

Kho lương thực đầy thì tại sao Cố Tổ Phân lại cứ ngăn cản quan viên Hộ Bộ điều tra?

Hiện giờ Uông Ấn vẫn chưa nghĩ ra mấy chuyện này, có điều hắn không kịp suy nghĩ kĩ thì nạn lũ đã kéo đến đạo Giang Nam.

Các binh sĩ đang canh giữ kho lương thực lập tức gửi tin tai họa về nơi đóng quân của Giang Nam Vệ, sau đó đại tướng quân Thẩm Túc liền phái binh sĩ đến sơ tán dân chúng và sửa chữa đường thủy...

Nghe nói Thẩm Túc đã phái binh sĩ của ba doanh trại vào phủ Hàng Châu cứu trợ, hơn nữa những binh sĩ ấy đều đã đến phủ Hàng Châu với tốc độ nhanh nhất.

Trước tai họa lớn như thế này, binh sĩ quân đội có lực lượng quyết định tuyệt đối. Phần lớn binh sĩ của Giang Nam Vệ đều đóng vai trò chủ yếu trong cả việc sơ tán, bố trí dân chúng lẫn gia cố, sửa chữa đường thủy.

Những quan viên của phủ Hàng Châu chỉ có thể điều động theo đó, nếu không có các binh sĩ Giang Nam Vệ thì e là việc cứu trợ không có chuyển biến tốt rồi.

Cẩn thận mà nói, may mà Thẩm Túc đã quyết đoán điều khiển binh sĩ hành động ngay khi nạn lũ vừa xuất hiện chứ không bảo thủ, khăng khăng chờ mệnh lệnh của hoàng thượng.

Dựa theo quân lệnh thì đương nhiên Thẩm Túc không có quyền điều động sĩ binh của ba doanh trại, nhưng tai họa lần này là ngoại lệ. Việc ông ta điều động binh lính cứu trợ trong trận lũ phủ Hàng Châu này mới là đáng khen, hoàng thượng sẽ không trách tội ông ta.

Đương nhiên thái tử giám quốc cũng sẽ không trách tội ông ta.

Đúng lúc đó, Uông Ấn lại nhận được thư từ đạo Lĩnh Nam.