Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ phải học cả ngày, buổi chiều có lớp ôn tập nên tôi không về nhà mà đi mua bánh mì để ăn thay cho bữa trưa, bánh mì ở quê tôi cũng thuộc dạng hàng hiếm. Cái bánh mì đã nhỏ lại còn khô và cứng, thi thoảng tôi còn ăn phải một cái bánh mì có vị chua chua, nhưng mà làm gì có nhiều lựa chọn ở quê chứ, một cái bánh mì và một chai sữa đậu nành 113 – sản phẩm của chính nhà mình – là một lựa chọn bất đắc dĩ nếu muốn ở lại trường. Mấy lần trước thì ăn xong là tôi kê mấy cái ghế băng lại nhau hoặc nằm luôn trên bàn ngủ, trưa nay cũng chẳng có gì khác bởi vì trời nắng biết đi đâu, ngủ là lựa chọn tốt nhất vì ban đêm có thể phải đi “làm việc” bất thình lình. Tôi có khoảng một tiếng để ngủ trưa, tầm hơn một giờ trưa là đứa nào đó đến lớp sẽ đánh thức tôi dậy, sau khi đi ra phòng bảo vệ xin nước của chú Tiến để rửa mặt (thời này trường tôi chưa có bình nước hay dược trang bị vòi nước cho học sinh rửa hay hoặc rửa mặt, quê mà, cái gì cũng đơn sơ) trở vào lớp thì lác đác có vài đứa. Như những lần trước, chúng nó về nhà ăn cơm và lại vác chuyện nhà, chuyện xóm ra để nói với nhau trong khi chờ đến giờ học, một trong số những chuyện ấy khiến tôi chú ý lắng nghe. Tôi ngồi trên cái bàn học, một chân gác lên băng ghế và hóng không sót một từ nào của mấy đứa con gái bàn bên, trong đó có đứa hộ khẩu ở ngôi làng mà đêm thứ Bảy vừa rồi tôi có “ghé chơi”. Nói thật là câu chuyện đám con gái này nói chẳng có gì đặc biệt, chỉ là tự nhiên gió to làm một cây tre tươi bị đổ xuống làm đứt dây điện của một ngôi nhà rìa làng, trong ngôi nhà ấy nghe nói có hai người đàn ông thần kinh không bình thường, nửa điên nửa dại. Quê tôi nói chung hay xã tôi nói riêng vẫn là một xã thuần nông, nếu trong làng có một người bị điên thì cả làng sẽ biết, đây lại có tận hai người bị điên nên mới thành ra câu chuyện để chúng nó nói với nhau. Thời ấy, điên còn có thể bị lây! Lũ trẻ con kháo nhau như thế, dĩ nhiên tôi không nghĩ như vậy, kể ra thì đi được chỗ nọ chỗ kia nó cũng có nhiều cái lợi. Cô bạn lớp phó học tập của tôi sở cũng đã đến lớp, theo như tôi biết thì chẳng có buổi học nào cô bạn này vắng mặt, sự chăm chỉ này trong đám con trai chỉ duy nhất có thằng Sang là đạt tiêu chuẩn - cái thằng mà tôi từng nhận định rằng cần cù bù thông minh – nó học giỏi các môn tự nhiên xem như nhất lớp nhưng vẫn rất chăm chỉ học những môn xã hội. Tôi hỏi cô bạn của mình về việc tối hôm thứ Bảy có nghe ngóng được gì xảy ra gần nhà không thì cô ấy trả lời không biết vì còn bận học. Cán bộ lớp nói gì thì nói vẫn có cái chất riêng của cán bộ, ít nói và nghiêm túc, tôi hiếm khi thấy cô bạn này ngồi túm năm tụm ba bàn tán chuyện làng, chuyện xã bao giờ. Thôi đã kể thì phải kể hết tiểu sử của cô bạn này vì cô ấy cũng có nhiều thứ hay, đầu tiên là về cái họ, cô ấy họ Đỗ. Tôi nghe nói là họ Đỗ ở ngôi làng ấy rất hiếm con gái nên rất được các chú bác trong họ quan tâm, tôi từng nói đùa rằng: -Lớp phó cùng họ với ông Đỗ Mười đấy! -Tớ không phải họ Đỗ! Tớ họ Nguyễn! -Sao lại thế? Người ta đổi từ họ khác sang họ Nguyễn, sao họ nhà lớp phó lại từ họ Nguyễn đổi sang họ Đỗ? Tôi cảm thấy tò mò, một phần bởi vì có quá nhiều người khuất mặt nói rằng tôi họ Lý, cũng như một số bậc cao niên trong họ đã cải sang họ Lý nên họ của bạn bè nói chung nếu có dịp hỏi thì tôi sẽ hỏi đến cùng. Tôi phải hỏi rất nhiều lần thì cuối cùng tôi cũng được nghe kể vài câu chuyện chắp vá nhưng những ý cơ bản thì tôi đều nhớ được. Qua câu chuyện của cô bạn mình thì tôi càng tin rằng đời con cháu ít nhất cũng mang những gen của các cụ đời trước, cô bạn của tôi có gốc là họ Nguyễn và vì những biến cố lịch sử nên phải đổi họ để tránh họa sát thân. Điều này dĩ nhiên là tôi tin bởi vì họ nhà cô ấy còn giữ được gia phả truyền qua nhiều đời chứ chẳng giống họ nhà tôi, gia phả chỉ mới được lập vài năm trước đó, đến cụ tổ của mình tên là gì ngay đến bố tôi cũng chẳng biết. Nguyễn Quang Bật (1463 – 1505) quê huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tương truyền trước khoa thi năm Giáp Tý (1484) ông nằm mộng thấy Thần nói rằng không sẽ không đạt được giải cao, tỉnh dậy ông không tin vào lời Thần nói bởi vì ông cho rằng Thần không biết được việc người. Người xưa cũng có câu “nhân định thắng thiên” hay “đức năng thắng số”, với ý chí kiên định theo đuổi việc học, cụ Nguyễn Quang Bật đã đỗ trạng nguyên của kỳ thi này, sau ông làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu lý (chức Hiệu lý ở Hàn lâm viện) và là thành viên của Tao Đàn nhị thập bát tú (Hội thơ Tao Đàn) được vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495 quy tụ hai mươi tám vị tiến sĩ. Vào cuối năm Giáp Thìn (1504) vua Lê Uy Mục lên ngôi, trong sách sử có ghi chép về thời gian vị vua này trị vì. Năm 1507 khi sứ thần nhà Minh sang Đại Việt mang theo sắc phong cho Lê Uy Mục làm An Nam Quốc vương, khi nhìn thấy tướng mạo của hoàng đế đã làm thơ gọi ông là Quỷ vương: An Nam tứ bách vận vưu trường Thên ý như hà giáng quỷ vương? Đại ý rằng vận nước An Nam còn dài tới bốn trăm năm tại sao trời lại cho quỷ vương làm vua. Lê Uy Mục là vị vua ưa vũ dũng, ở trên ngôi không chăm lo chính sự, chỉ thích rượu chè, gái đẹp và giết người. Trong thời gian ông cai trị thì quyền hành rơi vào tay họ ngoại, muôn dân oán hận. Nhiều vị đại thần và những quan thanh liên đều bị lời gièm và mang họa sát thân. Thời gian này cụ Nguyễn Quang Bật giữ chức Đô Ngự sử, chức quan được đặt ra từ thời vua Lê Thánh Tông và là chức quan đứng đầu Ngự Sử Đài. Ngự Sử Đài là cơ quan có đặc quyền được hặc tấu* (tâu vua để hạch tội quan lại) tất cả mọi việc, can gián những việc được cho là chưa đúng hoặc chưa tốt của nhà vua và quan lại. Có lẽ chính công việc mà ông làm đã gây thù chuốc oán với nhiều người khác nên khi Lê Uy Mục lên ngôi vua, ông vẫn giữ phép công mà làm cho đúng nên vua quan đều không ưa. Trong sử sách cũng có nói rằng khi vua Lê Hiến Tông mất vào năm 1504 thì diễn ra các cuộc vận động để Lê Uy Mục lên ngôn thay cho Túc Tông như di chiếu của của tiên đế, mẹ nuôi của Lê Uy Mục đã mang vàng, lụa đến tặng quan Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật và quan Thượng thư bộ Lễ Đàm Văn Lễ để họ lập Lê Uy Mục lên ngôi. Tuy nhiên hai vị này không đồng ý mà nhất quyết làm theo di chiếu của tiên đế nên Lê Uy Mục rất căm hận. Năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) vua Lê Uy Mục nghe theo kế của gian thần để biếm chức hai vị Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ xuống làm Thừa tuyên sứ ở Quảng Nam (Thừa tuyên là đơn vị hành chính thời Lê sơ, năm 1466 Lê Thánh Tông chia nước thành mười hai đạo Thừa tuyên và đến năm 1471 thì thêm Thừa tuyên Quảng Nam. Thừa tuyên sứ ti hay còn gọi là Thừa ti chuyên phụ trách các việc dân sự, đến cuối thế kỷ XVIII thì Thừa tuyên đổi thành trấn) và bắt họ vào Nam nhận việc. Khi hai người đi đến một con sông lớn ở huyện Chân Phúc (Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay) thì người của nhà vua đã đuổi theo kịp và dìm chết hai ông dưới sông. -Đấy là lý do phải đổi họ? – Tôi hỏi. -Đúng rồi, không đổi họ thì có khi giờ này tớ còn chẳng có mặt trên đời. -Cũng đúng nhỉ. – Tôi gật gù đồng ý. -Thế còn họ của đằng ấy tớ thấy cũng lạ lắm, ở xã này chưa nghe ai có. -À, họ của tớ từ dưới đất chui lên, tớ cũng chả biết. Trường cấp II tôi học có cách đặt tên giống hàng trăm ngôi trường cấp II khác trên khắp đất nước Việt Nam, ấy là lấy tên xã đặt tên bởi vì vậy nó có tên là trường THCS An Bình. Vài năm sau khi tôi ra trường và khi cô giáo chủ nhiệm của tôi lên làm hiệu trưởng thì trường có nhiều thay đổi, đầy đủ và tiện nghi hơn rất nhiều cũng như được xây mới thêm những dãy nhà. Tôi có vào thăm đôi lần và gặp chủ nhiệm của mình, mỗi lần đi qua cổng trường là tôi đều chạy chậm lại để nhìn ngắm và cười một mình, ký ức bao giờ cũng đẹp kể cả là vui hay buồn. Bây giờ ngôi trường này cũng đã được đổi tên thành trường THCS Nguyễn Quang Bật, tôi nghe vừa lạ vừa quen nhưng cũng ghen tị với cô bạn mình vì tổ tiên của cô ấy được lưu danh trong sử sách. Còn tổ tiên của tôi, tôi vẫn đang bận đi tìm và chẳng có bất cứ tờ giấy nào được ghi chép thể hiện tôi là con cháu nhà họ Lý cả hoặc là do tôi chưa được nhìn hoặc do tôi dốt Hán tự. Nhưng đến giờ tôi vẫn thích gọi là trường An Bình hơn, chả phải vì tôi ghen tị gì mà vì nó đã trở thành một phần ký ức thơ ấu của tôi mà ký ức thì làm sao thay đổi được. *** Tôi đã nhận được số báo danh trong mấy ngày sau đó, số báo danh thì không có gì lạ nhưng việc tôi được thi tại trường là một việc theo tôi là lạ, mấy đứa khác cứ thắc mắc vì sao tôi đang từ đứa sẽ đi thành ở lại, tôi cũng chẳng biết nên giải thích như thế nào vì chính tôi cũng không hiểu tại sao nên chỉ nói: -Ý trời, tại sao sống có nhân đức và không chửi bậy như bọn này nên trời thương tao. Tôi vui cả buổi ngày hôm ấy, vào buổi tối khi gặp chị Ma thì tôi lập tức khoe việc này nhưng ánh mắt của chị Ma nhìn tôi rất lạ, miệng thì giống như cố nhịn cười, tôi chưng hửng nên hỏi: -Sao chị lại thế? Chị muốn cười thì cứ cười đi. -Chỉ là nhìn em hớn hở quá nên không nhịn được mà thôi. -Thật ra việc đi nơi khác thi hay thi tại trường khi chẳng khác nhau là mấy nhưng tâm lý của bọn em thì đứa nào cũng thích được thi tại trường, cảm giác tự tin hơn nhiều chị ạ. -Chị hiểu. – Bây giờ thì chị Ma bật cười. – Thế em không nghĩ là tại sao lại có sự thay đổi đó ư? -Có chứ, em nghĩ là do em ngoan nên trời thương. – Tôi cười toe toét. -Chứ không phải hôm trước em có nói với ông Tam sao? -Hả? À em có nói. -Ông ấy trong cơn say bí tỉ đã quàng vai bá cổ nói với quan đốc trấn, quan đốc trấn nói với ngài quan huyện. Tôi ngẩn người ra lắng nghe. -Ngài tri huyện thì cũng có chút men nên đến hỏi chị, chị nói là đúng có việc như thế. Tri huyện nói: Thằng bé nó muốn thi tú tài tại trường nó học thì chiều theo ý nó, việc này đơn giản sao Công chúa không nói với ta? Chị Ma nói đến đoạn này là tôi lờ mờ hiểu ra nguyên nhân rồi. -Em cũng biết là chị không nhờ vả ai, vả lại em cũng không nhờ vả gì nên chị cũng không can thiệp. Nhưng mà nhìn em vui thế này xem ra việc thi tại trường rất có ý nghĩa đấy nhỉ? -Việc này... Việc này... -Em không phải áy náy, em giúp quan huyện nhiều việc nên ông ta đã làm gì đấy để em được như mong muốn cũng là lẽ thường mà thôi. -Nhưng mà em cảm thấy có gì đấy không ổn, em ngại. Tôi tiu nghỉu, tôi tưởng việc này là do ông trời thương tôi chứ ai ngờ lại có bàn tay vô hình can thiệp. -Sao, không vui à? -Tại em nghĩ là do trời thương, do may mắn chứ đâu nghĩ... -Trời thương hay may mắn không tự nhiên mà đến, em hãy xem như phần thưởng dành cho em, thời gian vừa qua chả phải em cũng lao tâm khổ tứ vì việc công sao? Tôi không biết đáp lời chị Ma ra sao, chỉ biết thở dài, niềm vui cũng giảm đi phân nửa nhưng sự việc đã rồi thì thôi vậy. Tôi tự động viên chính mình rằng trước đây vì một ngòi bút bi mà tôi qua lớp B thì bây giờ cũng một cái bút bi khác giúp tôi ở lại, như thế cũng tạm coi là công bằng vậy. -À chị... – Tôi đổi chủ đề sang việc khác. – Mấy hôm nay nhóm thầy phù thủy chắc không có động tĩnh gì chứ? -Chưa có động tĩnh gì, cũng không thu được tin tức gì từ bọn chúng, đám này nhiều mưu mô quỷ kế không biết đâu mà lần. Nhưng thôi, quan tâm cũng chả được gì lại mệt đầu, bọn nó đến thì đánh vậy. -Vậy gốc tích của cái ông Canh kia rao sao? -Đang tra xét, sẽ mau có thôi em ạ. -Ông ta cũng bị cho vào vạc dầu? -Không có tiếng gào thét nào, đấy là kết cục của những kẻ gây tội với âm phần, tội nặng thì phải chịu thôi, chả ai cứu được. Dạo này em có hay lên chùa không? -Dạ bận học em chưa lên được, được mấy hôm lễ thì bận tối mặt như thế. -Nếu có thời gian thì em lên gặp sư thầy xem sao, lần vừa rồi nhờ có binh của em gọi và Thiên tử quân nên con số thiệt hại bên ta không nhiều. Nếu như có sư thầy giúp cho một tay thì mọi chuyện chị nghĩ sẽ dễ dàng hơn phần nào. -Vâng, để em thu xếp lên chùa gặp sư thầy, số gạo rang em còn cũng chả biết bao nhiêu nhưng vơi lắm. – Tôi chợt nhớ đến cái túi vải màu nâu của mình nay đã vơi đi gần một nửa. – Bây giờ chị lại lên nha môn? -Không, hôm nay về nghỉ ngơi, có việc gì tự khắc có người đến báo, ở mãi trên ấy chị cũng nhớ nhà. Tạm thời Kinh Bắc quân cũng đang cho về nghỉ hết, họ kiếm được một số vàng thì cũng nên có thời gian chi tiêu, chi tiêu quen tay ắt sẽ có thêm động lực kiếm tiếp. Chị Ma cười nhẹ và quay lưng đi về hướng bụi tre, tôi đứng thêm một hồi nữa ngẩng đầu nhìn trăng, trăng hôm nay chưa tròn nhưng rất tỏ. --- ***
Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi