Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 240: Đi đặt làm điện thoại



Ngày lại qua ngày, một vài môn học thuộc diện... không quan trọng đã kết thúc sớm để nhường thời gian buổi sáng cho các tiết học thuộc môn thi tốt nghiệp vì thế nên buổi chiều có khi không phải ôn tập nữa. Bốn năm học hành không đàng hoàng thì vài chục ngày không giải quyết được gốc dễ vấn đề nhưng các thầy cô thì lo học sinh mình trượt, gia đình thì lo lắng xấu hổ với hàng xóm láng giềng... Tôi còn cảm thấy ngay cả các chú, các bác làm ở xã cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khối lớp 9, một phần vì con cháu họ cũng có trong ấy, phần khác tôi nghĩ là trách nhiệm của một người làm cán bộ. Phải nói thật rằng không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn khác trong lớp cũng cho rằng ở thời của chúng tôi, thi cử nó khác bây giờ rất nhiều. Chúng tôi không có nhiều tài liệu để tham khảo, không có kênh nào để tham khảo, một số đứa có anh chị ở lớp trên thì được bảo ban còn như tôi và các bạn ở trong làng Bưởi Cuốc thì chẳng được ai chỉ bảo. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần sách lịch sử, sách địa lý và văn học, tài liệu tham khảo thêm cũng chỉ có vài quyển văn mẫu mà tôi thì chúa ghét cái gì có chữ “mẫu”. Tôi là tôi, là duy nhất, nếu có học thuộc lòng hết thì cũng sẽ cảm thấy giống của ai đó, nhưng mà tham khảo ý của họ thì tuyệt vời, tham khảo ý tứ và viết theo cách của mình thì không thể gọi là xào nấu được.
Tôi có một trí nhớ tốt, một trí nhớ tốt thì dùng vào việc học thuộc lòng không khó. Tuy nhiên, cách học thuộc lòng của tôi cũng có một ít khác biệt, ấy là tôi ghi chép lại mỗi khi đọc, tất nhiên không ghi tất cả mà chỉ ghi nghệch ngoạc, đôi khi không nhìn lại mình viết cái gì nhưng việc đó nếu lặp đi lặp lại vài lần thì tự nhiên nó sẽ thành một phần ký ức. Tôi vẫn nhớ rõ là trước khi thi mấy ngày thì ba môn Văn học, Sử học và Địa lý có thể yên tâm đến tám mươi phần trăm, đặc biệt là môn Lịch sử thì tôi tự tin đến gần một trăm phần trăm. Đề thi cũng chỉ loanh quanh trong sách thôi mà.
Ba môn đã yên tâm thì môn tiếp theo là Sinh học tôi cũng dành thời gian để học thuộc lòng, bất cứ đi đâu tôi cũng có một quyển vở đã quăn mép và một cái bút chì màu vàng sọc đen hoặc màu đen sọc vàng để học. Tôi tin rằng điểm thi môn Sinh học của mình ít nhất cũng phải sáu điểm, tạm yên tâm. Còn Toán học và Vật lý là hai môn tôi lo lắng nhất, tôi không lo bị điểm liệt mà lo rằng sẽ bị điểm thấp, mục tiêu phấn đấu là đạt năm điểm mỗi môn để đỡ ê mặt, dù sao thì tôi cũng chẳng giỏi hai môn học này, tất cả sự chú ý của tôi đã dành cho những dòng chữ mơ mộng của Văn học.
Tôi đã đặt làm một cái điện thoại di động cho chị Ma theo đúng yêu cầu, một chiếc điện thoại màu đỏ và tương đối giống cái Motorola mà tôi thó được của gã thầy phù thủy. Tôi đã phải tranh thủ buổi trưa giữa tuần đạp xe vài ki – lô – mét để đến nơi mà tôi đã quen mặt để đặt hàng vì tôi cho rằng họ làm đẹp và có thể đáp ứng được yêu cầu của tôi.
-Điện thoại di động á?
Người thanh niên con của chủ nơi sản xuất vàng mã hỏi tôi với giọng điệu đầy ngạc nhiên, tôi gật đầu xác nhận rằng anh ta không nghe nhầm nhưng anh ta nhìn tôi từ đầu đến chân như sinh vật lạ vậy. Điều này thì cũng không có gì là khó hiểu bởi vì cái thứ được gọi là điện thoại di động ấy đến người còn đang hít thở khí trời thậm chí còn chưa được tận mắt nhìn mà chỉ nghe.
-Thứ đấy làm sao tao biết làm, điện thoại cố định thì tao biết.
-Nhưng em cần một cái điện thoại di động bằng giấy. – Tôi nhắc lại.
-Mày thì có phải khác lạ đâu, không phải là tao không nhận nhưng đến tao còn chưa được cầm đến cái thứ ấy thì mày bảo tao phải làm kiểu gì?
-Có mẫu thì anh làm được chứ?
-Có gì khó đâu, làm bằng gỗ thì khó chứ khung bằng nan tre với dán giấy thì có cái gì.
Tôi lấy từ trong ba lô ra cái điện thoại màu đen đưa cho anh thanh niên, Sim tôi đã tìm cách tháo ra cất đi rồi, thời điểm này đăng ký một cái Sim điện thoại cũng phức tạp lắm. Anh thanh niên khi nhìn thấy cái điện thoại di động thì tròn xoe mắt ngạc nhiên và cầm lấy để xem, anh ấy biết đây là một thứ đắt tiền nên rất cẩn thận.
-Đồ... Đồ xịn! Mày... của mày hả?
-Vâng!
-Tao thấy mày là con nhà có giàu, không ngờ lại giàu đến mức này.
Anh ta vừa ngắm cái điện thoại và thử mở cái nắp ra xem, là đàn ông con trai với nhau nên việc hào hứng với những thứ đồ điện tử hiện đại là điều bình thường, tôi cũng nhiệt tình ngồi hướng dẫn và giải thích với anh ấy cách sử dụng. Tôi chưa biết tiếng Anh nhưng nhìn chữ tiếng Anh trên điện thoại thì tôi hiểu cái mục đó để làm gì, điều này thì dĩ nhiên là bố tôi đã dạy. Thấy tôi thành thục mọi thao tác nên anh thanh niên cứ suýt xoa mãi, mà cũng phải thôi, điện thoại này của mình mà mình không biết dùng thì bị nghi là đồ ăn cắp ngay, thực ra nó là đồ ăn cắp, nói sang miệng là trưng dụng cho đỡ cắn rứt lương tâm.
-Thế này anh nhé, em sẽ để cái điện thoại của em ở đây cho anh làm mẫu, có mẫu thì anh làm y chang giúp em, càng giống càng tốt, màu đỏ.
-Mày để lại đây? – Anh ta hỏi tôi.
-Đúng rồi, chả lẽ anh tính lấy của em chắc?
-Đm, ai lấy của mày làm gì.
-Nhìn anh thì em biết người đàng hoàng nên em không sợ. Anh làm giống y hệt giúp em, cả cái chữ ở chỗ này nữa.
-Chi tiết nhỉ, mà tao hỏi thật, sao mày đặt mua cái đếch gì cũng cứ màu đỏ thế? Tao nhớ những lần trước cũng vậy.
-Chị em hồi còn sống thích màu đỏ thì em đốt màu đỏ thôi.
-Chị mày? Chị mày chết rồi à?
-Lâu rồi.
-Tao nhớ có lần mày đặt cả cái vương miện mả mẹ gì cơ mà, vương miện công chúa đúng không?
Thay vì trả lời anh ta, tôi ngó trước nhìn sau rồi nhăn mặt nói thật nhỏ:
-Anh nói nhỏ thôi, anh thừa biết bọn con gái thì đứa nào chẳng thích làm công chúa, chị em thì thiêng lắm, nói linh tinh đêm anh gặp thì đừng có đổ tại em.
-Chả có nhẽ? Tao đã gặp ma đếch bao giờ đâu, nghề tao làm phục vụ cho ma thì người ta không làm gì tao đâu.
-Đêm qua em nằm mơ chị ấy về bắt em phải đi đặt làm cái điện thoại y hệt như của em. – Tôi thở dài. – Anh nghĩ xem, bố em mua cái này cho em để em liên lạc với gia đình ngoài Hà Nội, chắc chưa đốt gửi cho chị ấy nên chị ấy tị nạnh ấy mà. Chả giấu gì anh, em đang ôn thi tốt nghiệp nên phải tranh thủ chạy lên đây đấy chứ, tí nữa lại phải về trường ôn buổi chiều.
-Chị mày chết lâu chưa?
-Lúc mười bảy tuổi, cũng mấy năm rồi, em là út.
-Khổ nhỉ, chết trẻ là khổ lắm đấy, tao cũng mười bảy này. Thôi thế này, mày tin tao thì để điện thoại lại tao làm riêng cho một cái y đúc luôn. – Anh thanh niên nhìn cái điện thoại nhẩm tính một hồi rồi nói tiếp. – Trưa thứ Bảy tao mang đến trường mày cho, đỡ phải lên, vẫn trường An Bình hả?
-Vâng, vẫn trường ấy. Thế thứ Bảy anh em gặp nhau ở quán nước trước cổng trường em nhé.
-Được.
-Anh cố gắng làm đẹp giúp em, tiền bạc thì anh biết rồi, không quan trọng. Bọn con gái nó khó hiểu lắm anh ơi, tốt nhất là chiều chuộng cho yên tâm chứ trái ý là mệt mỏi lắm anh ạ.
-Tao biết thừa, đm, thế nên tao đếch thèm yêu con nào.
-Ớ, anh định không lấy vợ à?
-Mày nhìn tao đẹp trai không?
-Cũng có! – Tôi gật đầu xác nhận.
-Như thế là vợ nó phải lấy tao, mày ngu lắm. Mày càng chú ý bọn con gái thì nó lại càng bơ mày, mày phải phớt đời đi em ạ. Nhìn mày thì không đẹp trai lại còi nhưng có tiền, có tiền là dễ tán gái, ông già tao cũng bảo thế nên tao cũng phải chăm chỉ giúp ông bà già.
-Cái này thì em không biết.
Nói thêm dăm ba câu chuyện phiếm nữa thì tôi dắt xe ra về, anh thanh niên tiễn tôi ra đến cổng và nói:
-Oắt con mới lớp 9 đã có xe Peugeot đi như này là biết mày không phải hạng xoàng rồi, nhưng mà nhìn mày đếch sang.
-Em nông dân quen rồi, xe đạp thì nó cũng chỉ là xe đạp thôi mà. Em thích xe máy, năm sau em mua xe máy.
-Cái gì? Mày... mua xe máy?
-Em đỗ lớp 10 trường số 1 thì sẽ đòi bố mẹ em chứ đi học xa oải lắm anh ạ.
-Thôi, cố gắng nhá, thi cho tốt vào.
Anh thanh niên vỗ vai tôi mấy cái, tôi cúi đầu chào, cả hai cùng cười với nhau rồi tôi đạp xe về và không quên tạt qua cửa hàng Tụ Sâm mua truyện tranh, dịp này là bộ “Đường dẫn đến khung thành”. Tôi mê bộ truyện này giống như bao đứa con trai khác, thậm chí đến sau cùng tôi còn viết vài lá thư gửi đến nhà xuất bản Kim Đồng ở Hà Nội để thể hiện tình yêu mãnh liệt của mình nhưng không có hồi âm, chả biết do sự kiên trì của tôi hay do chữ tôi đẹp mà cuối cùng đến tận tập ba mươi tám thì cũng có tên tôi trong cái danh sách vài nghìn người. Điều này làm tôi vui mấy ngày và sau đó tôi mới ngừng việc viết và gửi thư mỗi tuần đến nhà xuất bản. Bao nhiêu năm trôi qua mỗi lần nhớ đến sự kiện nhỏ này thì tôi đều cười một mình, niềm vui chỉ mỗi mình tôi hiểu mà thôi. Tôi nghĩ việ này cũng giống như các bạn trẻ bây giờ yêu quý thần tượng của mình và không ngừng gọi tên thần tượng, theo dõi thần tượng và chỉ khi được đọc cái tên trên livestream thôi là đã thấy hạnh phúc lắm rồi.
Giữa cái nắng như đổ lửa của một ngày tháng Năm, dáng dấp nhỏ bé của tôi siêu vẹo đạp xe về lại trường với cái bóng ngả dài trên con đường đầy nắng và gió, không có một bóng người.
Kể từ đêm cuối tuần chạm trán với phù thủy Canh đến hôm nay tính ra là chẵn một tuần, trưa ngày thứ bảy tôi không phải học buổi chiều, anh thanh niên ngồi chờ tôi ở quán nước trước cổng trường như đã hẹn. Anh ấy đã rất kỳ công để làm một cái điện thoại hàng mã màu đỏ cho tôi và để trong một cái túi tối màu tránh việc người khác hỏi han. Tôi rất hài lòng và trả thêm cả tiền xăng xe mặc dù anh này không muốn nhận, hai anh em ngồi uống nước và nói thêm dăm ba câu chuyện rồi tạm chia tay. Trên đường đạp xe về nhà, tôi cứ tủm tỉm cười một mình khi nghĩ đến việc chị Ma mang cái thứ đồ chơi này đi khoe các quan trên huyện, hẳn là các quan sẽ lác mắt cho mà coi, nếu tối nay có gặp chị ấy thì tôi phải dạy chị ấy cái tên thương hiệu của cái điện thoại này để đọc cho sang miệng, biết một chữ nước ngoài cũng là hơn các quan mấy lần rồi.
-“Có khi nào các quan lại nhờ đặt thêm không nhỉ? Dễ lắm, mấy ông này nhiều tiền nhưng chắc chẳng có gì tiêu khiển, có khi nửa đêm lại hiện về bảo con cháu gửi xuống cái Mô – tô – rô – la chứ chả đùa.”
Cơm nước xong xuôi thì tôi ngay lập tức ra vườn và tiến hành thủ tục gửi cho chị Ma món đồ chơi hàng hiệu đắt tiền này, ngồi đốt có một tí vàng mã thôi mà tôi thấy vui mới lạ chứ. Mà công nhận anh chàng con ông chủ nơi làm vàng mã này cũng khéo tay và cẩn thận, anh ta còn chế thêm một cái dây đeo với lý do “bọn con gái nó hay thích mấy cái thứ dây nhợ này, tao nghĩ chị mày cũng thích đấy, con gái mà.”
Ngủ trưa đến gần ba giờ chiều thức dậy thì trời cũng đã bớt nắng, tự nhiên tôi nổi hứng mang sách vở ra ngoài cánh đồng ngồi học bài xem như đổi không khí, nơi tôi dự định chọn ngồi học là cái bụi tre gần ngã ba nhỏ, đấy là nơi duy nhất có bóng râm, ngồi nhìn ra đường cái quan thoáng đãng, gió thổi từ cánh đồng vào chả khác gì bật quạt số ba cả. Tôi lững thững đi ra hướng cánh đồng, định rủ thằng Lâm ra ngồi cùng thì thấy nhà cô Thu khép cửa nên thôi, đoán anh em nó vẫn ngủ chưa dậy nên tôi không muốn làm phiền. Đi hết con đường đất nhỏ ngang qua cổng nhà tôi dẫn ra cánh đồng, vừa mới rẽ phải thì tôi hơi khựng người lại bởi vì nhìn phía đằng trước, ngay chỗ khúc cua rẽ phải để đến nhà Chắc Gạo thì có một cái xe máy 82 – 50 màu xanh cửu long dựng chơ vơ ven đường. Tôi chỉ hơi khựng lại một chút thôi vì làng tôi bây giờ cũng có thêm nhiều xe máy hơn rồi, cuối tuần nhiều người về thăm gia đình cũng là bình thường thôi.
---
***

vô địch lưu , hài hước đọc giải trí