Tôi ngồi xuống ven đường, cạnh lũy tre nhưng mắt vẫn để ý đến cái xe máy vì tôi nhớ là chỗ đấy chẳng có nhà nào có người ở, xe máy lại dựng sát vào tường gạch của ngôi nhà mà tôi đã từng một lần nấp trên mái rình ma tháng trước. Tay tôi lần giở quyển vở ra và định không để tâm đến cái xe máy đó nữa nhưng khi tôi quay đầu định tập trung vào việc của mình thì giống như mắt tôi vừa lướt qua cái gì đấy không rõ. Tôi quay ngoắt lại nhìn về phía dải đất ngăn cách cánh đồng với mương Khoai, nơi có hàng cây bạch đàn gầy gò, dường như thấy một cái đầu đội mũ đang lấp ló làm gì đấy, tôi không biết là ai vì không nhìn thấy dáng dấp. Tôi đứng lên kiễng chân nhìn thử cũng không khá hơn bao nhiêu, chỉ nhìn được đến phần vai của người ấy, một người đàn ông đội mũ lưỡi trai màu xám và áo tối màu. Đáng ra tôi chẳng quan tâm thêm đâu nhưng vì chỗ ấy gần nơi tôi đào được cái chum nhỏ đựng tiền cổ và chếch sang bên trái chỗ người đàn ông đó đang ngồi khoảng hai mươi lăm mét là nơi dạo trước mấy vong hồn đã bắc cầu vượt sông nên tôi nghĩ có gì đó không ổn. Tôi xỏ dép, tay vẫn vần mấy cuốn vở và nhẹ nhàng nhảy tót qua con mương nhỏ dẫn nước lên đồng sau đó nhẹ nhàng đi về hướng mương Khoai, tôi không đi lom khom mà đi một cách nhẹ nhàng. Ban ngày ban mặt lại trong làng thì làm sao phải lén lút, cũng có thể là người làng đang làm gì đó thì sao. Tôi bước nhẹ đến mức khi đã đứng trên dải đất rồi mà người đàn ông vẫn chưa phát hiện ra tôi, mắt tôi khẽ nheo lại khi ngửi thấy mùi hương và nhìn thấy ít vàng mã. -Chú ơi! Chú làm gì đấy? Tôi lên tiếng hỏi rất bình thường nhưng có vẻ như đã làm người đàn ông giật mình, ông ta chúi người về phía trước và lăn mấy vòng cho đến khi tóm được vào một bụi cây. Tôi vẫn đứng im bên trên dải đất, tay cầm mấy quyển vở và sách, tôi chớp chớp đôi mắt chứa đầy vẻ ngây thơ của mình nhìn người đàn ông lúc này đang bò lê bò càng dưới đất. Ông ta ngẩng đầu lên nhìn tôi, ánh mắt có chút hốt hoảng nhưng mau chóng thay đổi, dường như tôi còn nghe được tiếng văng tục nơi cổ họng khi ông ta cúi đầu xuống để tìm vị trí đặt chân bò lên chỗ ban nãy ông ta vừa ngồi. Trong khi ông ta lăn nhào xuống dưới, tôi đã kịp nhìn thấy vài thứ, ngoài vàng mã, rượu, một cái bát... thì còn có cả tàn tro để lại sau khi ông ta đốt cái gì đó đi, tàn tro bay theo gió và bám cả vào quần áo của ông ta khi ông ta ngã. Trong lúc ông ta lồm cồm bò dậy thì tôi đã lật mặt mấy quyển vở có nhãn vở vào phía trong bụng. -Mày... à, cháu ra đây có việc gì thế? Ông ta hỏi tôi khi đã đứng lên được, tay vịn vào một cây bạch đàn nhỏ. -Cháu ạ? Ngoài này mát nên cháu ra ngồi học bài ạ. -Học bài à? Ánh mắt của ông ta ngay lập tức nhìn vào sách vở tôi đang cầm trên tay, chưa đến ba giây thì ông ta đã cười giả lả. -Sắp thi chuyển cấp hả cháu? -Vâng, còn có nửa tháng nữa thôi ạ. -Tốt, chăm chỉ học thế là tốt đấy. Cố gắng cháu nhé. -Chú làm gì ở đây thế ạ? -À, chú cúng vong hồn dưới mương ấy mà. -Ui chú ơi, mương làng cháu nhiều ma lắm đấy. Bà cháu còn bảo ở đoạn này có con ma da tên là Mẹ Tổ đấy ạ. -Mẹ Tổ! – Ông ta ngẩn người ra nhìn tôi. – Sao lại là Mẹ Tổ? -Cháu không biết ạ, bà nội cháu dặn buổi tối không được ra đây vì nó thích trẻ con, nó sẽ ăn thịt trẻ con đấy ạ. -À à, thế hả? Ừ, bà nội cháu nói phải đấy. Trẻ con không nên ra những chỗ này vào buổi tôi, chú cũng cúng vong ma da dưới mương, hóa ra nó còn có cả tên cơ à? -Bà nội cháu bảo là con Mẹ Tổ này ở đây lâu rồi, lúc bà cháu còn trẻ ra đây cất vó mà nó cứ phá, chả bắt được con tép nào luôn đấy ạ. -Thế cơ à? -Thế nhà cháu gần đây không? -Nhà cháu ở khu Trên, gần chùa kìa chú! Tôi quay người chỉ tay về hướng ngôi chùa làng, tất cả thông tin bây giờ đều là giả cả, người này chắc chắn không phải người làng rồi, người làng có cách hỏi khác. Nếu như là dân làng tôi sau khi bị ngã vì thằng trẻ con ngu dốt là tôi thì đầu tiên sẽ là văng tục, chửi bậy, hỏi tôi là con nhà ai, cháu bà nào... chứ đời nào nhẹ nhàng đến vậy, tôi đâu có ngu. -Tận trên đấy mà xuống đây ngồi học? -Tại nhà cháu nghèo ạ, ban ngày không được bật quạt điện nên ra cánh đồng ngồi học thì mát mà chú, cả mé bên này có mỗi chỗ kia có bụi tre thôi, đấy chú xem. Lời tôi nói nửa giả nửa thật chả biết đâu mà lần nhưng hợp lý vì từ chỗ khúc cua mà người đàn ông dựng xe máy cho đến hết cánh đồng sau chùa cũng chẳng có một bóng cây nào. -Sao lại khổ thế cháu? Thi cử tới nơi thì phải đầu tư chứ? -Bố mẹ cháu cũng muốn thế nhưng nhà nghèo thì đành chịu chú ạ. -Cháu tên gì nhỉ? -Cháu tên Hưởng ạ! -Hưởng à? Tên hay đấy, sau này hưởng vinh phú quý, cố mà học cháu nhé. Chú là người họ Đào ở làng này, ít về đây lắm. Tôi thầm nghĩ trong đầu và định trả lời là: “Bốc phét! Họ Đào ở làng này tôi đây đi ăn cỗ cưới, cỗ giỗ bao nhiêu lần rồi, hai bà nội tôi họ Đào đấy, mặt ông là tôi chưa thấy bao giờ nhưng giọng thì nghe quen lắm.” Tuy nhiên miệng tôi lại nói khác. -Thế ạ! Cháu thì họ Nguyễn Hữu ạ, Nguyễn Hữu Hưởng, bố cháu cũng bảo đặt tên như thế cho sau này sướng vì hữu nghĩa là bên phải, Hữu Hưởng là Phải Hưởng đấy chú. – Tôi vừa nói vừa cười tươi, chả biết tươi hay là ngô nghê. -Bố cháu tên gì nhỉ? -Bố cháu tên Quốc ạ, thôi chú cứ làm việc tiếp đi nhé, cháu đi lại chỗ lũy tre ngồi học ạ. Tôi quay người bước đi thì ông ta gọi tôi và tôi đứng lại ngay, ông ta chạy đến gần nhìn tôi chằm chằm, tôi nhìn ông ta với ánh mắt ngây thơ, thậm chí có khi còn hơi ngờ nghệch. -Hưởng sắp thi nhỉ. – Ông ta rút từ túi áo ra hai tờ Năm chục nghìn và đưa cho tôi. – Chú cho tiền đút túi để dành lúc đi học mà ăn quà cháu ạ, càng nghèo càng phải cố nhé. -Vâng, cháu cảm ơn chú ạ. Tôi cầm ngay mà không chậm trễ lấy một giây nào, trẻ em nghèo mà người ta cho tiền lại không cầm thì e là vai diễn này không đạt. Tôi cúi chào ông ta thêm một lần nữa và bước trở lại theo lối bờ ruộng ven mương. Đúng như tôi đoán, tôi đi được gần hai mươi bước thì ông ta lại gọi tôi. -Hưởng ơi! -Dạ? – Tôi quay đầu lại nhìn ông ta. -Cố thi tốt nhé cháu. -Vâng, cháu cảm ơn chú! Cả hai bên cùng cười thật tươi với nhau, ai cũng vui cả, ông ta có lẽ vui bởi vì tôi không nói dối ông ta, còn tôi thì vui bởi vì ông ta cho tôi Một trăm nghìn. Tại sao ông ta gọi tôi là Hưởng mà tôi lại quay lại hoặc đáp lời ngay tắp lự? Tuy thông tin tôi nói với ông ta là giả nhưng lại không phải là giả, chỉ là râu ông nọ cắm cằm bà kia mà thôi cho nên ông ta gọi thì tôi quay lại thôi. Tôi cũng không ngồi học ở cạnh lũy tre nữa mà đi bộ chậm rãi về hướng chùa, khi qua cổng chùa thì tôi nấp vào bụi tre và ngó nhìn ra, tuy khoảng cách vài trăm mét nhưng thoáng đoãng nên cứ phải cẩn thận, tôi thấy ông ta cũng rời khỏi chỗ ban nãy gặp tôi và vài chục giây sau tôi nhìn thấy bóng dáng cái xe máy đi đến đoạn ngã ba nhà tôi thì tôi chạy hết tốc lực về phía Đề Đổ. Tôi đứng trước cửa quán nhỏ nơi chị họ tôi cũng đang vừa trông cửa hàng vừa học bài như tôi, lưng tôi đứng quay ra đường và tay cầm luôn cả túi bánh đa chị họ tôi treo ở ngoài cửa, rất nhanh sau đó tôi nghe thấy tiếng xe máy dừng ở sau lưng mình chỉ vài giây rồi rẽ ra hướng đầu làng theo trục chính. Khi tiếng pô xe máy vừa rời đi thì tôi không quay lại nhìn xem biển số xe rồi vội treo túi bánh đa đang cầm trên tay lên chỗ cũ, vứt luôn sách vở vào trong cửa hàng nơi chị tôi đang ngồi. -Ơ cái thằng này, mày làm gì đấy? -Em mượn xe đạp của chị. -Mày đi đâu? -Nói sau, em đang vội! Tôi dắt xe đạp chạy vài bước rồi nhảy tót lên gù lưng đạp đuổi theo cái xe máy, chị họ tôi í ới gọi đằng sau: -Này! Đi mau về trả xe tao, tao còn phải đi có việc nhá thằng kia. Tôi đạp xe ra đến đầu làng thì mất dấu, không biết người đàn ông đó rẽ sang hướng nào, cẩn thận nhìn ngó một lượt mấy hàng quán đầu làng và cả bên kia cầu cũng không thấy, tôi thở dài và đạp xe ra chỗ có dịch vụ gọi điện thoại hỏi thử nhưng chả có thông tin gì. Tôi tiu nghỉu quay xe nhưng chợt nhớ đến số tiền ông ta đã cho mình, tiền thì không có xấu đẹp, xấu đẹp là do người sử dụng, ông ta chắc là người xấu nên tiền này cũng chả tốt đẹp gì, có khi lại là tiền kiếm được từ việc bất minh. -Cô ghi cho cháu con đề! Tôi quay vào nói với cô chủ quán, cô ấy nhìn tôi ngạc nhiên đến tròn mắt vì có lạ gì tôi đâu, cô ấy cũng quen biết và có họ hàng với bố tôi cơ mà. -Mày ghi đề á? -Cháu ghi hộ chứ tiền đâu ra. -Bao nhiêu? -Một trăm nghìn ạ. -Một trăm nghìn? -Vâng! – Tôi thản nhiên đáp. -Con bao nhiêu? -13 ạ. – Biển số xe máy của ông ta là 13 thì tôi ghi đại 13 thôi. -Một con bạch thủ à? -Người ta dặn sao thì cháu ghi như vậy chứ cháu biết làm sao được. Cô chủ quán ghi số 13 cho tôi và ký tên vào mảnh giấy được cắt ra từ gói thuốc lá và nhìn tôi với ánh mắt có chút ngờ vực, tôi tỉnh bơ chào cô ấy rồi đạp xe về trả chị Hiền tôi chứ không lại bị chửi. --- ***
Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi