2. Bóng mờ Thuyền hoa chở lụa vân, nước xuân tựa trời biếc, Phùng Kinh bận áo xuân sắc trắng của học trò châu học (*), bước chân khoan thai đi trên đường phố Giang Nam gió ấm mười dặm.
(*) Châu học, huyện học là trường công thời Tống, mở ở các châu huyện cho người cầu học tại các thôn quê thành thị tới học.
Một món đồ nho nhỏ hình cầu màu trắng rơi xuống từ tòa lầu thêu bên cạnh, không nặng không nhẹ đập lên khăn chít đầu của chàng. Chàng đưa mắt nhìn, phát hiện là một quả vải chín sớm hiếm thấy vào mùa này, đã được dụng tâm bóc vỏ, lăn trên mặt đất, hãy còn loang loáng ánh nước.
Ngước mắt lên trên, thấy sau lan can trên lầu có một mỹ nhân mắt phượng trán ve mày ngài đang tựa mình, bốn mắt chạm nhau, nàng mỉm cười duyên dáng, cầm quạt tròn che mặt, thoáng lui bước tránh đi.
Trước mặt cầu in bóng nước, bên tai cung cầm sênh ca, bấy giờ chàng mới nghĩ đến, đường nay đi lại là một ngả Chương Đài (*). Chàng cũng chẳng tránh né, khóe mắt hơi giương, nở một nụ cười dịu dàng chân thành với nàng hàng thủ trong lầu Tần quán Sở kia.
(*) Chương Đài vốn là tên một con phố sầm uất của thành Trường An thời Tây Hán, là nơi kỹ quán mọc như rừng, bởi vậy nên người đời sau thường lấy Chương Đài để chỉ chốn kỹ nữ tụ cư.
Lúc này chàng đã hai mươi, tạm rời xa mẹ ở Giang Hạ, đến Du Hàng du học. Tại đất Giang Nam mưa bụi mà tao nhân mặc khách vẫn hằng ca tụng này, thi thư Khổng Mạnh chẳng phải toàn bộ cuộc sống, ngoài gối kê đình Quận ngắm sóng trào ra thì còn có gái Ngô song múa điệu phù dung (*), nếu không theo đồng xá vào ngõ xóm dạo chơi, hỏi mây tìm mưa, sẽ thành bị người ta nhạo báng. Chuyện kỹ nữ có lòng, mang tình ném quả như vừa rồi rất thường xảy ra, cũng chính từ những bận “bội thu” hoa trái ấy mà chàng ý thức được rằng hóa ra mình có một ngoại hình đẹp đẽ được cao xanh ưu ái.
(*) Hai vế lần lượt lấy từ bài Ức Giang Nam số 2 và số 3 của Bạch Cư Dị.
Về chuyện tình ái, chàng cũng coi như có chút thiên phú, rất nhanh học được chiêu bài dùng ánh mắt bắt trái tim má hồng, cũng biết mỉm cười thế nào thì vừa đúng, uy lực vô song. Bởi vậy nên liên tiếp gặt hái thành công chốn gió trăng tình trường, nữ tử khói hoa từng có hẹn Vu Sơn với chàng tuy chẳng tính là nhiều song ai nấy đều xuất chúng hơn người.
Chàng là một học trò sống bằng tiền lương của châu học, thường ngày còn phải bán ít tranh chữ bù vào chi tiêu, bởi vậy nên những danh kỹ ấy đều không chịu thu tiền của chàng, chỉ xin chàng làm thơ viết chữ tặng mình thay lời cảm ơn.
Hôm nay, nàng hàng thủ Kiều Vận Nô của “Đồng Tước Xuân” này cũng vậy, ngay từ đầu đã tuyên bố với chàng rằng chỉ cầu một bài thơ làm quà đáp tặng. Song, giữa buổi tiệc rượu, sợi xuyến vàng chàng mang theo người đã lọt vào tầm mắt ả, ả nhón lấy quan sát tỉ mỉ, cười bảo: “Phùng lang cũng tặng cả chiếc xuyến vàng này cho thiếp đi thôi.” Loading...
Chàng tức khắc đoạt lại từ tay ả, thẳng thừng: “Không được!”
Kiều Vận Nô ngẩn người, hồi thần rồi lại cười rộ: “Thiếp chỉ muốn lấy một món đồ bên người Phùng lang giữ làm kỷ niệm mà thôi chứ nào có biết đâu đó là bảo bối quý giá Phùng lang hết mực trân trọng, không muốn cho người khác.”
Chàng tháo ngọc bích trên khăn chít đầu xuống, đưa cho Kiều Vận Nô: “Nếu tỷ tỷ không chê thì giữ cái này vậy.”
Đó là vật đáng tiền nhất trên người chàng. Kiều Vận Nô nhận lấy xem, cười nói: “Phùng lang buôn bán thế là lỗ lắm đấy. Sợi xuyến vàng kia tuy tốt, song trọng lượng quá nhẹ, không có giá bằng miếng ngọc này.”
Chàng cười nhạt: “Chính bởi sợi xuyến ấy nhẹ nên mới không đưa tỷ tỷ.”
Ra khỏi “Đồng Tước Xuân”, không dưng thấy lòng phiền muộn. Phùng Kinh lên một tửu lâu bên bờ nước, gọi một bầu rượu, ngồi cạnh cửa sổ độc ẩm.
Bất giác, chàng lấy sợi xuyến vàng kia ra, cầm trong một tay nhè nhẹ ve vuốt như thường ngày.
Từ biệt mấy năm, chẳng biết chủ nhân sợi xuyến vàng này về sau đã làm dâu nhà ai. Chàng rầu rầu nghĩ, tay kia rót rượu, nâng chén, uống cạn, lại rót, chén này tiếp chén kia, không mảy may hay biết ngày dài đã cạn.
Rất nhanh có người chú ý tới chàng, xì xào bàn tán: “Đó chính là tiểu tử nghèo mà Kiều hàng thủ vừa ý…”
Chợt có người cười khẩy, cao giọng nói: “Quả nhiên là hạng đĩ đực ăn bám!”
Phùng Kinh liếc xéo qua, thấy kẻ nói câu này là một tay tư lại mặc công phục. Nghe ý mấy người họ, hẳn là muốn tiếp cận Kiều Vận Nô mà không được. Bèn chẳng buồn phản ứng, chàng một lần nữa rót đầy chén, tiếp tục độc ẩm.
Kẻ nọ lại không định để chàng yên, nhìn chằm chằm xuyến vàng trong tay chàng, cao giọng nói tiếp: “Còn không biết xấu hổ cầm trang sức của đàn bà ra khoe khoang, cũng chẳng biết là lừa được từ tay con điếm nào…”
Lời còn chưa dứt, chỉ nghe “thịch” một tiếng trầm nặng, mặt tay tư lại đã hứng trọn một đòn nặng nề, trực tiếp ngã ngửa ra đất.
Tay tư lại chống người ngồi dậy, thấy Phùng Kinh đứng trước mặt mình, lạnh lùng nhìn gã, trong đôi mắt quá ư mỹ lệ đối với nam giới ấy thoáng lướt qua một tia sáng âm u.
Tay tư lại không rét mà run, mồm miệng cũng trở nên lưu loát không đặng: “Mau, mau bắt, bắt nó lại!”
Cái giá cho một quyền này là tự do của mười ngày. Phùng Kinh bị bắt giam trong ngục lao huyện nha, mười ngày sau mới được thả ra.
Trở lại ngôi chùa chàng ở trọ trên Kính Sơn, hòa thượng quản sự tới báo với chàng: “Mấy ngày tới trong chùa không tiện giữ người nghỉ lại, xin Phùng tú tài mau chóng thu dọn hành lí, ngày mai chuyển ra ngoài đi thôi.”
Vị hòa thượng xua tay, liên thanh đáp không phải, nhưng lại chẳng chịu giải thích nguyên do. Phùng Kinh muốn tìm mấy văn tiền đưa y, mong được châm chước cho đôi phần, tiếc rằng trong túi trống rỗng, tất thảy tiền bạc đã bị lính canh ngục vơ vét nạo sạch.
Hôm sau, hòa thượng nhiều lần tới thúc giục, không thể làm gì khác, Phùng Kinh đành phải thu dọn hành lí, chuẩn bị rời khỏi đây. Trước khi đi nhìn một lượt căn phòng nhỏ quạnh quẽ đã trọ mấy tháng nay, không khỏi cảm thán thói đời nóng lạnh, đến nỗi giờ đây không chốn nương thân, bèn nâng bút, đề một bài thơ lên vách tường: “Hàn Tín phiêu bạt Hạng Vũ bần, tay cầm trường kiếm hớp heo may. Than ôi mắt chúng sinh thiên hạ, chẳng tỏ nam nhi mặc xác bay.”
Bôn ba trong huyện thành cả ngày mới tìm được một tú tài đồng môn chịu thu nhận chàng, kiếm được một căn phòng đơn sơ tá túc.
Chẳng ngờ mấy ngày sau, tay tư lại từng bỏ tù chàng lại tới học quán tìm chàng, khách khí gọi chàng “Phùng tú tài”, lúng túng nói huyện lệnh cho mời.
Chàng lấy làm kinh ngạc, song vẫn nhận lời đi qua.
Huyện lệnh Dư Hàng mời chàng vào tiệc, hoan hỉ uống rượu, ân cần hỏi han, vô cùng niềm nở. Giữa tiệc, huyện lệnh nghe chàng ăn nói, càng thêm khen ngợi, thậm chí còn nửa thật nửa giả cười bảo: “Phú quý rồi xin chớ tương vong.”
Phùng Kinh cảm thấy trong đây nhất định có nội tình, bèn dụng tâm dò xét, mà huyện lệnh cũng nhân men say nói thật: “Trong kinh có quý nhân tới, đến chùa Kính Sơn thắp hương lễ tạ, trông thấy bài thơ cậu đề trên vách tường, hỏi hòa thượng tình huống của cậu rồi nhận xét: ‘Cậu Phùng tú tài này tuy hôm nay túng thiếu bần cùng song đọc bài thơ cậu ta để lại, có thể thấy trong lòng cậu ta tự có gò khe (*), ngày sau ắt sẽ vinh hiển.’”
(*) Thành ngữ chỉ lúc vẽ tranh làm văn, trong lòng đã nắm được ý cảnh sâu xa, cũng dùng để ví von phán đoán, xử trí sự vật, sự việc tự có cao thấp tốt xấu.
Phùng Kinh hỏi quý nhân là ai, huyện lệnh lại thận trọng cảnh giác, lấp liếm quanh co, không chịu đáp lời.
Tiệc xong, huyện lệnh nói đã tìm một chỗ ở thỏa đáng khác cho chàng, ngày mai có thể vào ở ngay, còn biếu tặng vài xâu tiền, sai người tiễn chàng về tận nơi.
Phùng Kinh nhanh chóng có việc cần dùng đến số tiền đó. Mượn để đút lót cho vị hòa thượng xuống núi mua đồ mà mình có quen biết, chàng hỏi thăm được vị quý nhân vào chùa dâng hương ấy là một quý phu nhân đến từ kinh đô, mấy ngày nay qua đêm trong chùa, nhưng thân phận cụ thể ra sao thì vị hòa thượng cũng bảo là không biết.
Thấy vẻ mặt chàng hiếu kỳ, vị hòa thượng nói: “Cậu chớ có nảy sinh ý định đi xem thử đấy! Chẳng rõ vị phu nhân kia lai lịch ra sao mà vừa vào chùa, huyện lệnh đã phái rất nhiều binh lính ra trước canh gác, rào vây quanh chùa, người không phận sự căn bản không cách nào vào được trong đâu.”
Phùng Kinh cười cười, lại đẩy thêm một xâu tiền nữa tới trước mặt hòa thượng.
Chàng đổi lấy một bộ áo tăng, lại đội thêm mũ tăng, giả trang thành hòa thượng trong chùa, buổi tối trà trộn vào chùa Kính Sơn.
Thân phận vị phu nhân kia ắt hẳn thật sự không tầm thường, ngoài cửa canh phòng nghiêm mật, trong cửa cũng bày màn che dọc khắp các lối nàng có khả năng đi qua, sư sãi phổ thông trong chùa đều không được vào.
Lúc Phùng Kinh vào chùa, vị phu nhân ấy đang làm lễ cầu khấn trong chính điện, chàng núp vào một góc tường sau màn che. Nghi thức kết thúc, vị phu nhân đứng dậy, chàng nhanh chóng tiến lại gần màn che lối nàng đi.
Vị phu nhân bước đi chầm chậm, trong màn đèn sáng treo cao, chiếu bóng dáng nàng hiện rõ lên tấm vải trắng phòng người dòm ngó.
Chàng ở ngoài màn che nơi ánh sáng mịt mờ, chậm rãi di chuyển theo bóng nàng, bám sát từng bước.
Hiện trên màn che là bóng dáng sườn mặt của nàng: đường nét ngũ quan thanh tú, tóc vấn cao, buộc lại bằng một chiếc miện đơn giản, để lộ cần cổ cao thon đẹp đẽ, cằm nàng khẽ hất, ung dung cất bước, tư thái cao nhã…
Bóng người trước mắt dần ăn khớp với kí ức nằm sâu trong chàng, chàng chỉ cảm thấy hai tai nổ ầm, hô hấp khó khăn, ý thức dường như cũng đang lung lay theo ngọn lửa nhún nhảy.
Cách lớp màn che, nàng tiếp tục bước đi, chàng tiếp tục bám theo, bước chân im ắng, song nhịp tim thì đang bắt đầu tăng tốc, thậm chí chàng còn hơi thấp thỏm sợ người trong màn sẽ nghe thấy tiếng động bất an phát ra từ lồng ngực mình.
Đến cuối, tim chàng như cuồng loạn giữa tiếng gõ mõ tụng kinh hãy còn đang quanh quẩn trong viện. Rất nhiều lần chàng muốn xé màn che ra, xác nhận suy đoán trong lòng, nhưng vẫn cố dằn xuống. Sau cùng, khi nàng đi tới chỗ hai bức màn tiếp giáp, chàng mới dùng ngón tay đang run rẩy vén một góc vải trắng lên, dõi mắt vào trong kiếm tìm.
Tất thảy những mong đợi và cảm xúc như ẩn như hiện, khó nói thành lời kia đều lắng xuống như bụi bặm theo cái dõi mắt ấy. Chàng buông thõng tay, quỳ xuống sau màn che nơi nàng chẳng nhìn đến, lặng thinh cô tịch rơi nước mắt mỉm cười giữa ánh sáng chập chờn.
Quả nhiên là nàng.
Chàng nhắm hai mắt lại, song đáy lòng thông suốt thấu tỏ – có hề chi khi bị chúng sinh thiên hạ rẻ rúng, khinh khi? Chỉ cần nàng biết chàng, hiểu chàng, ấy chính là tân nương chàng cung phụng vĩnh viễn trên đài gương sáng rõ trong tim.