Vì phải xoay sở nhiều chuyện cùng một lúc, tôi đã không thể chống chịu trước cơn buồn ngủ, ngủ quên từ lúc lũ bạn hăng hái bàn chuyện đi ăn chè khúc bạch. Không biết có phải do quá mệt mỏi nên sinh ra ảo giác không, nhưng chất giọng trầm ấm giống như chứa đựng cả một dải ngân hà tâm tư cứ văng vẳng bên tai tôi. Lẽ nào bị bóng đè sao? Cơ mà con ma này tồi thật, không thấy tôi hao mòn tinh thần đến nỗi quầng thâm mắt hiện rõ à?
Dẫu vậy, tôi lại không mấy khó chịu, bởi vì hương thơm ấm nóng quen thuộc khiến lòng tôi thanh thản hơn rất nhiều. Bàn tay to lớn vuốt nhẹ tóc mái và đôi gò má gầy, mi mắt tôi được chạm nhẹ bằng một thứ gì đó rất mềm mại. Có phải là nụ hôn hoàng tử dành cho công chúa trong các bộ phim cổ tích không nhỉ? Nếu thế thì đây không phải ác mộng, nó tựa một giấc mơ ngọt ngào thuở bé, một giấc mơ mà tôi hóa thân thành nàng công chúa hạnh phúc nhất thế gian...
Tôi cựa quậy toàn thân, choàng mở mắt. Suýt nữa thì tôi chết sững ngay tại chỗ, khuôn mặt điển trai khiến gái đổ đứ đừ của Trịnh Hữu Huy Anh hiện ra mồn một dưới ánh trăng rằm. Tôi giật bắn mình, hốt hoảng nói:
- Mày vừa làm gì tao đấy?
Huy Anh ngồi xổm bên cạnh tôi, thái độ cực kì ung dung, giống như thể tất cả những chuyện vừa rồi chỉ là một cơn mơ điên rồ.
- Mày mớ ngủ hả? Tao có làm gì mày đâu.
Sao mặt bạn hiện rõ hai chữ "xạo sự" thế này? Tôi ngơ ngác dòm khuôn mặt dửng dưng của thằng con trai vuốt tóc bảnh bao trước mặt. Trông Huy Anh thong thả, bình tĩnh như thế, chắc nó không phải là "con ma" đó đâu nhỉ? Tôi mệt quá nên mơ bậy bạ sao? Ôi, vậy mà tôi còn mong chờ đó thực sự là Huy Anh. Suy nghĩ của tôi thật sáng tạo, tạo nghiệp chướng. Tôi lập tức xua tan mớ suy nghĩ hỗn độn bằng cách lắc đầu kịch liệt. Huy Anh bỗng đặt tay lên trán tôi, cau mày nói:
- Có bị cảm đâu mà trông như con dở thế!
- Mày nói sai rồi, tao có cảm mà, cảm thấy mày rất đẹp trai. Vậy nên đừng giận tao nữa. Mấy bữa nay, mày cho tao ăn bơ suốt, tao cũng biết buồn đấy nhé.
Huy Anh không mắng chửi làm tôi nhớ nhung cái giọng trầm khàn ấy, nhiều khi tôi thấy mình cũng mắc bệnh, mà bệnh này chỉ có Huy Anh mới chữa được. Nghe câu nói mang đầy vẻ thảo mai của tôi xong, Huy Anh chợt mỉm cười, chiếc răng khểnh đáng yêu càng khiến tôi chăm chú nhìn hơn. Người đẹp mà, phải nhìn cho bõ hai con mắt chứ!
- Ừ, tao cũng thấy mày giống con dở, dở chứng thích tao chứ gì?
- Là giở chứng chứ nhỉ? Thả thính lấy le với gái mà nói sai chính tả là không được đâu, bạn Huy Anh ạ.
- Vâng, có sai cũng không sao, bởi tao chung thủy với bạn Gạo mà, đi vờn gái làm gì, bạn Gạo nhờ?
Lại nữa, cách mà Huy Anh đang nỗ lực lái lụa tình bạn của chúng tôi sang tình yêu thật đáng quan ngại, tôi vẫn cười nói vô tư, dỗ bạn:
- Vậy là bạn đâu có giận tôi, tôi cứ sợ bạn giận tôi cơ. - Giọng Huy Anh không có quá nhiều biến đổi, vẫn điềm nhiên hỏi ngược lại:
- Tại sao tao phải giận bạn Gạo? Tao còn sợ mình chưa thương bạn Gạo đủ nữa là...
Thật hồ đồ, tôi đã không nhận ra bộ mặt tâm cơ này của Huy Anh qua ngần ấy năm. Nó không hề kiêng nể chuyện cũ, nhởn nhơ nói những lời ong bướm hậu chia tay và còn bóp má tôi đầy vẻ hứng thú.
Tôi cố gắng nắm lấy cổ tay của Huy Anh để thoát khỏi tư thế mờ ám ấy, nhưng Huy Anh khỏe như trâu, mặc tôi giãy giụa đòi tránh xa, nó vẫn khoan thai nói:
- Chắc mày biết rồi, tao mới chia tay với Thùy Anh.
Tôi đã lường trước từ lúc Huy Anh công khai hẹn hò Thùy Anh, chuyện chia tay khả năng cao sẽ xảy ra, nhưng không ngờ lại tan vỡ chóng vánh đến thế. Một hơi thở dài não nề của tôi làm Huy Anh bày vẻ mặt không mấy thoải mái, nó nhíu mày, lại tiếp tục chất giọng trầm khàn nghe như đang dỗi:
- Sao? Thất vọng khi thấy tao chia tay với Thùy Anh à?
- Không biết nữa, mừng vì mày buông tha cho Thùy Anh nhưng cũng tội nghiệp con bé. Tao thấy con bé thích mày nhiều lắm, lỡ như Thùy Anh không vượt qua được thì lại khổ.
- Bởi vì sợ con bé khổ nên tao mới chia tay đấy, mày không hiểu gì cả...
Huy Anh cũng thở dài, đôi mắt dáng phù quang lộ ra một tia u sầu xen lẫn nỗi hối hận khó nói. Tôi vỗ lấy vai Huy Anh, mặc dù nó cao hơn tôi rất nhiều, giọng cứng rắn như một thằng đàn ông nói chuyện với một thằng đàn ông khác:
- Thôi đi ha! Từ nay, mày tu tâm dưỡng tính, đừng làm khổ đời mấy đứa con gái nữa, có được không?
Có lẽ vì tôi bày đặt diễn vai người lớn đi khuyên răn, mặc dầu chưa có nổi một mảnh tình vắt vai, Huy Anh chợt phì cười, đáy mắt lộ rõ vẻ nuông chiều, làm người tôi thi nhau nổi da gà:
- Tao cũng nghĩ vậy, biết đâu sau khi thấy tao ngoan ngoãn học tập, không yêu đương nhăng nhít, có người sẽ thích tao thì sao?
Nó đáp, không quên liếc mắt ẩn ý về phía tôi, bàn tay to lớn lại một lần nữa bóp hai cái má. Trong đầu tôi thầm nghĩ: "Thằng này đang nghĩ cái gì vậy? Đừng có nói là..."
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ, tôi không dám lên tiếng dập tắt đi khuôn mặt tươi cười, tràn đầy niềm tin và hi vọng của ai kia. Phải đến khi bọn lớp tôi đi ăn chè về, nó mới không còn tra tấn gương mặt tội nghiệp của tôi nữa.
Thôi kệ Trịnh Hữu Huy Anh đi, nó bị khùng đấy!
Về chuyện văn nghệ, lớp tôi và lớp Văn đều được trúng suất diễn vào ngày hội 20/11. Vì thế chúng tôi phải tập luyện còn nhiều hơn trước.
Mấy ngày nay, mẹ tôi bắt đầu thường xuyên vắng mặt ở nhà. Bình thường mẹ sẽ đi rang cà phê từ sáng sớm, đi nhặt chè và làm nhiều công việc khác nhau đến tận 8,9 giờ. Tuy nhiên gần đây, mẹ thậm chí còn không về nhà.
Đống đồ ăn trong nhà đã hết từ đầu tuần, nhưng vì quá bận rộn, tôi chưa kịp đi mua. Tranh thủ một buổi chiều rảnh rỗi trong tuần, tôi quyết định đi mua ít thịt cá, rau quả. Mấy cô bán hàng trong chợ quen mặt tôi đến mức hôm thì cho mua thiếu, hôm lại tặng thêm đồ. Vẫn như thường lệ, tôi xách túi đồ lỉnh kỉnh đủ thứ đi trên con hẻm về nhà.
Ánh đèn hiu hắt từ trong căn nhà nhỏ và những dấu chân to lớn đã xáo trộn vài miếng đất xốp dưới gốc cây gạo khiến tôi có dự cảm không lành. Tôi không vội vào nhà, chỉ dám âm thầm đứng núp sau bức tường đã bám đầy rêu xanh, nghe trộm đoạn hội thoại bên trong:
- Mày định bao giờ mới trả nợ cho tụi tao hả?
- Tôi nói với các chú là cuối tháng này mà, các chú vội vàng bắt tôi trả nợ như vậy, tôi biết đào tiền ở đâu ra chứ.
Giọng nói nài xin tha thiết của mẹ tôi vang lên trong căn nhà mịt mù nơi con hẻm nhỏ. Chuyện người ta đến đòi nợ không còn gì xa lạ với hai mẹ con tôi. Từ khi bố dính vào tiền ảo, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh mấy gã giang hồ, người thì xăm trổ, kẻ thì chột mắt đến quậy phá, đập tan tành đồ đạc trong nhà chúng tôi. Chuyện đó càng xuất hiện với tần số nhiều hơn khi bố tôi thắt cổ tự vẫn và để lại khoản nợ khổng lồ giáng lên bờ vai của hai mẹ con.
Gần đây, mẹ đã trả được không ít nợ nhờ bội thu mùa cà phê từ mấy sào đất. Đáng lẽ ra nhà tôi phải bán đất, bán nhà để trả khoản nợ lên tới con số hàng tỉ đồng ấy, nhưng mẹ kiên quyết giữ lại để vừa làm vườn, vừa rang cà phê, hái chè. Mẹ là một người biết nhìn xa trông rộng, nên chúng tôi mới sông được tới giờ.
Còn về chuyện đòi nợ, tôi cứ ảm thấy có gì đó kì lạ, nhưng lại không biết lạ ở đâu. Sao bọn họ có thể đến đòi nợ nhanh đến thế? Mẹ vừa trả tiền nước, tiền điện, tiền sinh hoạt cho hai mẹ con, thật sự không còn đồng nào hết. Bỗng giọng nói của một người đàn ông lạ hoắc vang lên khiến mạch suy nghĩ của tôi bị cắt ngang:
- Có gì từ từ nói, để tôi đưa cho anh vài triệu đồng, xem như là trả trước. Các anh đừng đập phá đồ đạc, nơi này thật sự không còn gì để các anh đập hết.
Chẳng hiểu sao tôi lại rùng mình sau khi nghe giọng nói của người đàn ông trạc tuổi tứ tuần ấy. Sau một hồi nghe âm thanh từ những tờ tiền bị quệt vào nhau và tiếng đếm tiền xoèn xoẹt, bọn người giang hồ đó cuối cùng cũng rời đi.
Đứng bần thần trước cửa nhà, tôi dâng lên cảm giác khắc khoải không biết nên vào nhà hay lang thang ở một nơi nào đó. Vẫn là giọng nói khàn đục, tầm mắt của tôi rơi trúng vài sợi tóc bạc trên mái tóc xơ rối của ông chú đó, người đàn ông với khuôn mặt nhăn nheo dùng bàn tay đầy vết chai sạn vời tôi lại:
- Con là Mộc Miên phải không? Mau vào nhà đi con.
Tôi hơi giật mình, lùi lại theo phản xạ tự nhiên. Người đàn ông trướ mặt nở một nụ cười trìu mến, lại tiếp tục vẫy tay gọi tôi, cố tỏ ra dáng của một người tốt:
- Bác là bạn của mẹ, không làm hại con đâu, con cứ vào nhà với mẹ đi.
Mẹ tôi đã vào nhà từ lâu, khoảng sân vắng chỉ còn mình tôi và người đàn ông xa lạ ấy. Nếu không vào nhà, tôi cũng chẳng biết bản thân nên đi đâu, đành gật đầu thay cho lời chào rồi phóng như bay vào nhà.
Bữa ăn tối vẫn do tôi chuẩn bị, chỉ đơn giản là món cá bống kho tiêu, su su luộc và cơm trắng. Người đàn ông ấy gắp cho mẹ và tôi một khoảnh cá bống, sự lo lắng và thắc mắc khiến tôi không tài nào tập trung vào bữa cơm tối được. Hình như ông chú ấy cũng hiểu những suy nghĩ lăn tăn trong đầu tôi, ôn tồn cất giọng:
- Bác tên là Danh, bác giúp mẹ con bán cà phê rang sang các chợ đầu mối và cửa hàng uy tín trong thành phố. Bác nghe mẹ nói nhiều về con lắm, con học trường chuyên phải không? Vậy chắc vất vả lắm, ráng giữ gìn sức khỏe nhé!
Tôi buông thõng đôi đũa, chậm rãi đáp một tiếng "dạ", bác ấy lại tiếp lời:
- Hai mẹ con sống cô đơn trong một căn nhà nhỏ thế này, thật sự không ổn.Mấy tên giang hồ ấy không dễ dàng gì tha cho hai mẹ con đâu. Thế này, tạm thời để bác qua ở với hai mẹ con mấy tháng cuối năm. Dù sao, mỗi căn nhà đều cần một người đàn ông thì vẫn đỡ hơn...
Hai bên tai tôi chỉ nghe tiếng róc rách nước chảy từ máy nước nóng năng lượng mặt trời của nhà hàng xóm, có lẽ đang bị tràn nước. Tôi ngước đôi mắt tam bạch, toát ra một vẻ khẩn cầu đến mẹ. Tôi không biết mẹ có nhìn thấy sự tha thiết mong mẹ sẽ từ chối trong con ngươi hổ phách của tôi không, nhưng mẹ đã quyết định đồng ý với lời đề nghị đó. Đêm tối ấy, tôi khóa chặt cửa hơn, cũng không dám xuống uống nước hay vô tư đi lung tung trong nhà.
Rốt cuộc mẹ đang nghĩ gì trong đầu vậy? Đúng là người đàn ông ấy đã trả nợ giúp hai mẹ con, nhưng tại sao mẹ lại để một người đàn ông ở chung với một người phụ nữ và một người con gái sắp sửa bước sang tuổi 18 được? Người đàn ông ấy có ý đồ gì và mẹ đang tính toán gì trong lòng, tôi thực không hiểu nổi.