Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 22: Cống Sinh Hạ





Khẩu Tâm bước trên con đường sỏi đi từ Hắc Viện tới mảnh sân sau Thanh Tịnh tự.

Tứ bề của mảnh sân được tre bao bọc, trong sân treo lủng lẳng toàn những bao cát, khúc cây, hình nộm rơm, đó chính là luyện võ đường của các đương gia.

Hằng ngày, vào những giờ rảnh rỗi, chàng và các đương gia thường ra đây ôn quyền luyện cước, tay đấm chân đá, huỳnh huỵch vào các bao cát, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Khẩu Tâm đặt tay lên đầu một hình nộm rơm, suy nghĩ đến thất thần.

Chẳng biết bao lâu sau, chàng nghe có tiếng chân người, rồi Tần Thiên Nhân, Tôn Hứa Khải và Tàu Chánh Khê xuất hiện.

Tàu Chánh Khê vừa vào tới liền nói:
- Thiếu đà chủ, khi huynh vừa đi khỏi Hắc Viện, bọn người nha môn liền đến tìm thất đệ, hỏi chuyện cống sinh nhập kinh.

Đệ ấy đi vắng, nên lão Trần nói các học sinh đó đã hoàn tất khóa học, rời Hắc Viện trở về quê cả rồi, bảo quan huyện có muốn đi tìm thì tự mà tìm.

Vương triều Thanh là do một dân tộc thiểu số phương Bắc kiến lập sau khi chinh phục vùng Trung Nguyên.

Vì thế, họ đặc biệt chú ý tới việc đề phòng tình cảm dân tộc của các phần tử trí thức nguời Hán, thường bắt bớ những người có câu chữ khác thường trong văn chương, phát động Văn Tự Ngục, tiến hành các cuộc trấn áp tàn khốc đối với người Hán.

Văn Tự Ngục là tên chung dùng để chỉ những vụ án do chữ nghĩa mà ra, vô cùng thịnh hành vào thời hoàng đế Thuận Trị tại vị, nhất là ở những vùng miền xa kinh thành, Văn Tự Ngục đã xuất hiện và hoành hành rất nghiêm trọng.

Một số lượng lớn các văn nhân vì viết sai một hai câu, có liên quan đến triều đình trong các tác phẩm của mình là ngay lập tức rước họa diệt môn.


Cống sinh nào không nhập kinh thi cử để phò trợ triều đình, hoặc thường dân nào có lời lẽ phỉ báng triều đình Đại Thanh, cũng sẽ bị phạt thống quân.

Thống quân là hình phạt mà nguời phạm tội bị đưa tới vùng biên viễn làm lao dịch, có các mức một ngàn dặm, hai ngàn dặm, ba ngàn dặm, bốn ngàn dặm, hoặc nặng hơn nữa là bị xử trảm, nặng nhất là tru di cửu tộc.

Sau khi Khẩu Tâm nghe Tàu Chánh Khê kể tên các cống sinh bị buộc phải đi kinh thành, Khẩu Tâm lắc đầu:
- Những người này đều là những học sinh xuất sắc nhất của Hắc Viện.

Thế họ phản ứng thế nào?
Tàu Chánh Khê nói:
- Đương nhiên là họ không chịu, sau khi bọn quan sai đi rồi, họ mới rời chỗ nấp phản đối kịch liệt với lão Trần, nói nếu thất đệ trở về mà khuyên họ đi họ sẽ quỳ trước cửa Tâm Thiền thư viện không chịu đứng dậy, có vài người bắt đầu chống đối bằng cách không chịu dùng điểm tâm rồi đấy, nhịn ăn nhịn uống, nhịn đói nhịn khát, như kiểu tuyệt thực ấy, thất đệ lại không có mặt trong Hắc Viện để giải quyết tình hình.

Tàu Chánh Khê kể tới đây, Tôn Hứa Khải thấp thỏm nhìn Tần Thiên Nhân hỏi:
- Nhị ca à, huynh nghĩ chúng ta phải làm sao bây giờ?
Vị trí của Tần Thiên Nhân trong hội thấp hơn Khẩu Tâm, khi gặp chuyện khó phân giải thì phải theo qui luật mà thỉnh thị người trên.

Tần Thiên Nhân quay sang Khẩu Tâm:
- Thiếu đà chủ nghĩ sao?
Khẩu Tâm nhìn Tôn Hứa Khải, im lặng một chút nhìn sang Tần Thiên Nhân nói:
- Trước khi đến thời hạn cống sinh nhập kinh, chúng ta có thể tìm cách sắp đặt, dẫn họ trốn đi.

- Làm vậy được sao? – Tôn Hứa Khải hỏi – Khi quan huyện đến Hắc Viện tìm họ thì sao đây?
Khẩu Tâm gật gù:
- Thì càng củng cố lời của lão Trần đã nói chứ sao.

Chẳng phải lão Trần đã bảo quan huyện các học sinh đó đã hoàn tất khóa học, rời Hắc Viện trở về quê cả rồi à?
Khẩu Tâm ngưng một chút, tiếp:
- Dầu gì thì họ cũng là người trong hội chúng ta, tuy không cùng chung máu mủ nhưng đã là người trong hội tức là người thân trong gia đình cả, vậy nên, theo huynh nghĩ một người trong đám chúng ta nên đích thân đưa họ đi khỏi Hàng Châu để đảm bảo an toàn cho họ, khi xảy ra chuyện cũng có người gánh vác.

Tôn Hứa Khải nghe Khẩu Tâm nói gục gặc đầu.

Khẩu Tâm tiếp:
- Thất đệ là viện trưởng của trường học, họ tin tưởng vào đệ ấy nhất, huynh nghĩ đệ ấy nên đưa họ đi.

- Nhưng thất đệ không dưng mất tích, hình như không ổn cho lắm - Tàu Chánh Khê nói.

Điều Khẩu Tâm nghĩ tới Tôn Hứa Khải cũng có nghĩ tới, bèn nhìn Tàu Chánh Khê nói:
- Thường ngày đệ ấy cũng ít khi xuất hiện trong thành, chắc sẽ không sao, nhỡ có người hỏi đến lão Trần có thể nói viện trưởng theo lịch trình đi sang các tỉnh lân cận để dạy học rồi, hay là đi nghiên cứu tài liệu ở nơi khác là được.

Khẩu Tâm lắc đầu:
- Không được, như vậy chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời, không giải quyết được lâu dài.

Tôn Hứa Khải không biết tính sao nữa, quay sang Tần Thiên Nhân.


Tần Thiên Nhân không nói không rằng.

Khẩu Tâm nói:
- Đệ ấy có thể lấy lý do làm lạc ngự biển, tuy rằng tìm lại được, nhưng trong lòng hổ thẹn, chỉ đành từ bỏ chức vị viện trưởng.

- Không biết đệ ấy phải đi bao lâu?
Sau khi Tần Thiên Nhân nói một câu nãy giờ vẫn giữ im lặng, không dưng lên tiếng.

Khẩu Tâm đáp:
- Chắc phải là một thời gian dài, năm ba năm chi đó, chờ cho chuyện im rồi mới về trở lại.

Các đương gia suy nghĩ một lát cuối cùng cũng gật đầu làm theo lời Khẩu Tâm.

Tần Thiên Nhân chợt nhớ tới một chuyện, nói:
- Nếu tất cả các cống sinh ra đi cùng một lúc như vậy thì không ổn, rình rang quá, lại nữa cần phải chở theo đến hơn cả trăm bộ quần áo bông, thêm vào đó họ đều là sức trai trẻ cả, nên phải mang theo năm chục bao gạo trắng, đi di cư, có cơm còn phải có đồ ăn nữa, nên cũng vác theo ba trăm cân thịt khô.

Sau đó, nhỡ có đụng chuyện đánh nhau với triều đình hay cần đi săn bắn chẻ củi nấu cơm lại dụng tới cung tên, rìu, búa, đao.

Tất cả đồ đạc xếp trên bao nhiêu chiếc xe đây?  Và có bao nhiêu con tuấn mã dành để kéo xe?  
Tàu Chánh Khê nghe Tần Thiên Nhân nói hình dung ra cảnh mấy chục cỗ xe ngựa cùng hành tẩu giang hồ trong cùng một thời điểm, đương nhiên sẽ khiến người ta nghi ngờ.

Như vậy sẽ không phải là thượng sách trong kế hoạch trốn chạy này.

- Bọn họ nên chia nhau mà đi vào ban đêm, rồi hẹn tụ tập ở một nơi – Tàu Chánh Khê nói.

- Bọn họ nên tụ lại ở đâu? – Tôn Hứa Khải hỏi.

Tần Thiên Nhân lấy một vật tròn tròn trong lưng quần ra, thảy cho Tôn Hứa Khải.


Tôn Hứa Khải đưa tay đón lấy:
- Huynh đưa đồng xu này cho đệ làm chi?
- Đồng xu này được cái gì đúc thành?
- Dĩ nhiên là đồng.

- Không – Tần Thiên Nhân lắc đầu - Sáu phần là đồng, bốn phần là chì.

- Thì ra Đại Thanh đúc tiền mà cũng là giả sao? – Tôn Hứa Khải tròn mắt.

- Không – Tần Thiên Nhân tiếp tục lắc đầu nói - Vì khó kiếm được đồng, nên người nào tìm được thì sẽ phát tài.

Tàu Chánh Khê nghe Tần Thiên Nhân nói, à lên một tiếng:
- Thì ra nhị ca muốn thất đệ đi Đồng Sơn?
- Ừ - Tần Thiên Nhân gật đầu - Đệ ấy hẹn gặp các cống sinh ở Đồng Sơn, bọn họ có thể giả làm nhân công, dùng cách hóa trang cho da rám nắng che đậy dung mạo trắng trẻo thư sinh, theo đệ ấy lên núi tìm đồng, đệ ấy cũng hóa trang thành một thương gia khai thác mỏ đồng, trên tay cầm theo quyển Đồng Sơn Chí thì không ai nghi ngờ gì được.

Mọi người nghe Tần Thiên Nhân nói, gật gù cho là phải.

Chiều tối hôm đó các đương gia đem quyết định này nói lại với Cửu Dương.

Cửu Dương nghe qua trong lòng rất buồn, chàng không muốn rời khỏi Hàng Châu, nhưng chỉ đành phụng mệnh tòng sự, chàng nói:
- Được rồi, mọi việc theo quyết định của thiếu đà chủ.

.