Đông A Tái Khởi

Chương 17: Dấu hiệu bất thường 2.



Chương 17: Dấu hiệu bất thường 2.

Thăng Long, Tại một doanh trại q·uân đ·ội ven bờ sông, lá hoàng kỳ có chữ Trần bay phần phật trong gió, dưới cái nắng gay gắt, cấm quân vẫn canh gác đại doanh vô cùng nghiêm ngặt, mắt nhìn bốn phía không ngơi nghỉ.

Từ cánh rừng xa xa, thấy chim chóc bay lên tán loạn, dần dần có bụi mù bay lên khiến binh sĩ cấm quân phải chú ý. Cố gắng nheo mắt để nhìn thật xa theo dõi động thái bất thường phía trước, tay để sẵn vào tù và báo động. Cho tới khi thấy một nhóm kỵ binh trên lưng cắm lá cờ đỏ rực đang phi như bay về doanh trại thì gọi với xuống đồng đội:

- Là hồng lĩnh cấp sứ, mau mở cổng!

Thấy hồng lĩnh cấp sứ tới thì từ quan tới dân đều phải tự giác tránh đường, mọi cánh cổng đều phải mở để hồng lĩnh cấp sứ chạy qua, nếu cản đường hồng lĩnh cấp sứ thì có 10 cái đầu cũng không đủ để chém. Cánh cổng nặng nề dần dần mở ra, không cần để ý trên đường có ai, một kỵ sĩ vẫn phóng như bay vào doanh trại, số còn lại dừng lại bên cổng.

Vừa qua cổng đại doanh, hồng lĩnh cấp sứ lập tức lấy hơi gân cổ hô lớn, vó ngựa vẫn không ngừng hướng thẳng tới soái trướng có treo hoàng kỳ chính giữa doanh trại:

- Tin báo 800 dặm: Như Nguyệt đại thắng, chém đầu Lưu Thế Anh g·iết địch 2 vạn.

Nghe tiếng hô lớn, cả doanh trại liên mừng rỡ tung hô, lại thêm một chiến thắng nữa cho Đại Việt. Tất cả binh sĩ đều vui mừng cảm thấy Đại Việt đã sắp giành được toàn thắng rồi.

Nghe tiếng huyên náo bên ngoài, từ lều chính Hoàng Thượng Trần Nhân Tông khoảng 30 tuổi bước ra, dáng vẻ anh tuấn, uy nghiêm có chút hiền từ hiếm có, râu ria được cắt tỉa gọn gàng, trên người mặc bộ giáp sáng bóng màu trắng các họa tiết trên giáp đều được trang trí bằng vàng vô cùng tỉ mỉ, đẹp đẽ. Trước ngực là hình ảnh kim long ngũ trảo vô cùng uy mãnh, thắt lưng đeo thiên tử kiếm.

Đi theo sau là thừa tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, khoảng 40 tuổi, dáng người nhỏ hơn Trần Nhân Tông một chút, vẻ mặt vô cùng nghiêm nghị, tỏa ra khí chất cao quý khó ai sánh bằng.

Thấy Hoàng Thượng và Thừa tướng đích thân rời lều chờ đợi, hồng lĩnh cấp sứ dừng ngựa, vội vàng quỳ rạp xuống hành lễ, chắp tay tâu:



- Khởi bẩm hoàng thượng, khởi bẩm thừa tướng, có tin báo từ chiến trường sông Như Nguyệt. Hoài Văn Hầu tướng quân dẫn 5000 kỵ binh ra ngoài doanh đón đánh quân tiên phong của quân Nguyên giành được thắng lợi. Chém đầu tướng địch là Lưu Thế Anh cùng phó tướng Lưu Nguyên, g·iết địch 2 vạn.

(Trần Quang Khải là thừa tướng 3 đời vua gồm Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông)

Nói xong, vị hồng lĩnh cấp sứ hai tay nâng hộp gỗ lên cao quá đầu dâng lên, lập tức có thái giám tiến tới đỡ lấy mở ra. Liền thấy trong hộp gỗ là đầu của Lưu Thế Anh cùng Lưu Nguyên bị ướp bằng vôi bột. Trần Nhân Tông vô cùng vui mừng, khen ngợi:

- Hay lắm, Hoài Văn Hầu đánh hay lắm, tuổi trẻ tài cao đúng là phúc khí của Đại Việt. Người đâu ban cho hồng lĩnh cấp sứ ngự tửu và 5 lượng vàng. Ngươi vất vả rồi, lui xuống nghỉ ngơi đi.

Hồng lĩnh cấp sứ dập đầu như giã tỏi, luôn mồm tạ ơn Hoàng Thượng. Được uống ngự tửu là phúc khí ba đời của hắn, chuyện này hắn có thể đem ra khoe khoang với hàng xóm láng giềng tới c·hết.

Cho hồng lĩnh cấp sứ lui xuống, Hoàng thượng Trần Nhân Tông cùng thừa tướng Trần Quang Khải quay vào lều, nhìn lên bản đồ giữa phòng, Trần Nhân Tông hỏi Trần Quang Khải:

- Chú Khải, tình hình quân Nguyên ở Thăng Long thế nào rồi? liệu chúng ta sắp hoàn toàn chiếm lại Thăng Long được chưa?

(Trần Quang Khải là chú ruột của Trần Nhân Tông)

Trần Quang Khải chắp tay đáp:

- Bẩm Hoàng Thượng, theo tình báo các quân, quân Nguyên đang tập trung rút qua sông Hồng, nếu không có gì bất ngờ, khoảng 3 ngày nữa chúng ta có thể tiếp quản toàn bộ Thăng Long.



Trần Nhân Tông gật đầu hài lòng! nói tiếp:

- Chú Khải, báo hộ bộ chuẩn bị vật tư chuyển về Thăng Long. Chúng ta cần nhanh chóng khôi phục lại Thăng Long, lấy Thăng Long làm cơ sở tiếp tế các khu vực xung quanh để người dân có thể sớm quay lại ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả sau hậu chiến.

- Thần tuân chỉ.

---------------------------

Vạn Kiếp! Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tuy đã gần 60 tuổi nhưng dáng người vẫn cường tráng, tóc mai và râu đã điểm sợi bạc nhưng khí chất ngời ngời, mắt sáng như sao. Đan hai tay trước cằm, Hưng Đạo Vương nhìn chằm chằm vào sa bàn đã cắm chi chít cờ ở giữa gian phòng.

- Cha, có chiến báo từ chiến trường sông Như Nguyệt gửi tới, Hoài Văn Hầu lĩnh quân đánh tan quân tiên phong của địch, chém đầu tướng địch Lưu Thế Anh và phó tướng Lưu Nguyên, g·iết địch 2 vạn.

Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn hơn 30 tuổi, là con trai cả của Hưng Đạo Vương, được kế thừa bộ gen và được chính Hưng Đạo Vương dạy dỗ nên Hưng Vũ Vương cũng là một trong những đại tướng tài năng nổi trội của Đại Việt đương thời. Hưng Vũ Vương vén lều tiến vào báo cáo và dâng chiến báo lên cho Hưng Đạo Vương.

Hưng Đạo Vương nhận chiến báo, mở ra xem rất kỹ những ghi chép của Trần Quốc Toản về cuộc chiến vừa rồi và động thái của quân Nguyên. Mày hơi nhíu lại, mất một lúc lâu sau Hưng Đạo Vương ngẩng đầu lên nhìn Hưng Vũ Vương đang đứng chờ đợi bên cạnh nói:

- Trận này Hoài Văn Hầu đánh rất tốt. Quốc Nghiễn, con cho người đi gọi Phạm Ngũ Lão tướng quân tới đây.

Chỉ một lúc sau, Một vị tướng khoảng 30 tuổi quân nai nịt gọn gàng, dáng người khỏe khoắn, khuôn mặt tuy hơi đen nhưng không dấu được vẻ anh tuấn còn có chút thư sinh. Phạm Ngũ Lão tiến tới, chắp tay bái Hưng Đạo Vương nói:



- Bái kiến cha, anh vợ. Cha cho gọi con ạ.

Phạm Ngũ Lão là con rể của Hưng Đạo vương. Hưng Đạo Vương là người nhận ra tài năng và đã cất nhắc Phạm Ngũ Lão từ một anh nông dân đan sọt lên làm tướng quân cai quản cấm vệ. Hưng Đạo Vương yêu quý Phạm Ngũ Lão đến mức Hưng Đạo Vương bắt con gái mình là quận chúa Anh Nguyên phải giả làm con gái nuôi để có thể gả cho Phạm Ngũ Lão.

(Nhà Trần có lệ chỉ gả con gái trong dòng họ)

Thấy Phạm Ngũ Lão đã tới, Hưng Đạo Vương ra hiệu cho Hưng Vũ Vương đưa chiến báo cho Phạm Ngũ Lão xem và nói:

- Hai con ngồi đi, ta vừa xem chiến báo của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, hai con xem chắc cũng đã nhận ra những dấu hiệu bất thường của quân Nguyên trong thư của Hoài Văn Hầu. Ta đã suy nghĩ rất nhiều về những điều này, dù chưa rõ ràng nhưng ta mơ hồ nhận ra có điều gì đó không ổn. Nhưng cần có thêm thời gian, thông tin để đoán định nghi vấn này. Hiện tại, các cánh quân đều đang thuận lợi tiến hành theo kế hoạch, lúc này chúng ta không thể mạo hiểm thay đổi bố trí làm xáo trộn kế hoạch đã đề ra. Quốc Nghiễn, trong tay con hiện tại có bao nhiêu kỵ binh có thể điều động?

Hưng Vũ Vương không cần suy nghĩ nhiều lập tức nói.

- Thưa cha, hiện chúng ta có 3000 kỵ binh có thể điều động bất cứ lúc nào. Còn muốn nhiều hơn thì cần thêm 1-2 ngày để bố trí.

Hưng Đạo Vương nhẩm nhẩm gõ tay lên bàn suy nghĩ rồi nói với Hưng Vũ Vương và Phạm Ngũ Lão đang ngồi bên dưới:

- Tốt lắm, Quốc Nghiễn, con lập tức dẫn 3000 kỵ binh này tới phạm vi phòng tuyến sông Như Nguyệt, chỉ cần đứng ngoài quan sát chiến trường. Tùy tình hình trận chiến con phải sẵn sàng chi viện hoặc chủ động phối hợp với quân của Hoài Văn hầu nếu cần. Nhớ kỹ, phải giữ được tính bí mật cho cánh quân này. Tuyệt đối đừng để lộ hành tung cho quân Nguyên biết.

- Ngũ Lão, đại doanh Vạn Kiếp ta giao lại cho con cùng 3 vạn binh sĩ. Con thay ta tiếp tục sắp xếp mai phục đón đánh quân Nguyên rút lui. Khi ta vắng mặt, mọi việc ở đây do con toàn quyền quyết định, không cần bẩm báo với ta.

- Số quân còn lại, toàn bộ theo ta lập tức tiến về Thăng Long, 2 con đi thu xếp đi.

Dù không hiểu rõ lo lắng khiến Hưng Đạo Vương phải thay đổi một chút sắp xếp binh lực nhưng cả Hưng Vũ vương và Phạm Ngũ Lão đều nhất nhất tuân lệnh rời đi sắp xếp theo căn dặn không một chút do dự. Bọn họ tuyệt đối tin tưởng vào trí tuệ của Hưng Đạo Vương.