Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 36: Thầy quay lại



Sau hai hôm, thầy đã quay lại đúng như trong tin nhắn. Lúc bắt gặp thầy với bộ dạng mệt mỏi thiếu sức sống. Trong đầu tôi khi đó ngay lập tức hiện lên dòng chữ "mình đã nghĩ sai rồi ư", tôi cứ tưởng lúc mà thầy quay lại đây sẽ là một người hoàn toàn khác. Tuy không thay đổi hoàn toàn nhưng ít ra không còn vướng bận gì nữa.

Thế nhưng trông thầy ấy bây giờ lại càng phiền não hơn. Vừa về là thầy để hành lý sang một bên và ngồi trên sofa ngả lưng ra đằng sau. Thầy không nói gì với tôi mà yên tĩnh nhắm mắt lại để nghỉ ngơi.

"Thầy... không sao chứ ạ?" Tôi không muốn làm phiền thầy ấy nhưng tôi rất muốn biết lý do làm cho thầy trông mệt mỏi đến vậy.

"Tôi không sao." Khi trả lời tôi thầy vẫn nhắm nghiền đôi mắt.

"Thầy về nhà mình xảy ra chuyện gì ạ?"

"Đúng là có nhưng xin em đừng hỏi." Thầy bỗng mở mắt ra nghiêm túc nhìn tôi đang ngồi ở đối diện "Tôi không muốn nói dối em, càng không muốn chuyện của gia đình tôi ảnh hưởng đến em."

"Em... em lo cho thầy." Tôi nhắm chặt đôi mắt lại, hai bàn tay cũng theo thói mà đan chặt lại với nhau. Lúc này lời nói của tôi kiên định hơn bao giờ hết.

"Em nói gì?" Trong khoảng vài phút tôi không dám mở mắt ra, cho tới khi nghe được câu hỏi của thầy thì tôi mới khẽ mở mắt.

Thầy nhìn tôi với biểu cảm kinh ngạc trên khuôn mặt, như thể lời tôi vừa nói ra nó lạ lẫm tới mức khiến thầy không còn tin vào tai của mình.

Tôi cúi mặt xuống nhìn vào tay và nhỏ giọng nhắc lại lời vừa nói "Em lo cho thầy."

Tôi chỉ muốn thầy biết, tôi rất lo cho thầy ấy. Lo tới mức tôi dám nói ra suy nghĩ thật lòng của mình. Tôi mong muốn được biết lý do, mong muốn được thầy xem như là người thân mà chia sẻ. Bởi vì những chuyện riêng của tôi thầy đều biết và thầy luôn là người an ủi tôi.

Duy nhất lần này, chỉ lần này tôi muốn được là người an ủi thầy. Được ở bên cạnh cùng thầy chia sẻ nỗi buồn.

"Tôi..." Thầy thở dài một tiếng vừa ảo não vừa nặng nề "Tôi về nhà mới hay tin mẹ của tôi mắc bệnh trầm cảm, thông tin này do bác sĩ tâm lý của bà nói với tôi. Bà ấy bị chính gia đình tôi hành hạ cả tâm trí lẫn thể xác. Vì gìn giữ cái gọi là hạnh phúc giả tạo đó mà hằng đêm mẹ tôi chỉ có một mình gặm nhấm nỗi đau. Phải tươi cười với nhà chồng, phải tỏ ra không có gì trước mặt tôi. Làm cho mẹ tôi kiệt quệ về cả tinh thần lẫn cảm xúc mỗi khi về đêm. Khi mà tôi biết được, tôi nói với bà ấy rằng tôi sẽ quay lại thành phố sống chung với bà..."

Nghe đến đoạn thầy muốn rời khỏi đây, tim của tôi bị hẫng đi một nhịp. Tôi giữ nụ cười trên môi rồi nói "Vậy thầy quay lại để thu dọn hành lý và xin nghỉ à? Mà bao giờ thì thầy đi thế ạ?"

"Nhưng mẹ của tôi nói rằng bà ấy sau khi ly hôn với bố tôi thì tinh thần đã thả lỏng hơn, không còn vướng bận gì. Bà nói rằng sẽ về quê ở với bà ngoại và nhà cậu của tôi. Nói tôi không cần lo lắng, nói tôi phải có trách nhiệm với lớp học mà tôi chủ nhiệm."

"Thầy không đi theo ạ? Còn mẹ của thầy phải làm sao?" Tôi không muốn thầy đi nhưng thầy ấy cần phải chăm sóc mẹ của thầy. Bác ấy đã cô đơn quá lâu rồi.

"Mẹ tôi bỏ đi khi mà tôi còn đang ngủ, bà ấy để lại một bức thư kêu tôi phải ở lại đây chăm sóc nhà cho ông nội. Mẹ tôi, bà nói mình không sao. Về quê bà ấy được gần người thân, sống cuộc sống thoải mái tự do. Căn nhà trên thành phố bà cũng không đòi chia mà để cho bố tôi cùng người phụ nữ kia chuyển về đó." Nói xong, thầy khẽ thở ra một hơi. Thầy đã trút hết tâm sự của mình ra bên ngoài, cả sự tức giận khi thầy nhắc đến bố mình cũng được buông ra.

Tôi đứng dậy, đến chỗ của thầy và quỳ xuống ngay bên cạnh. Thấy vậy thầy thất kinh muốn kéo tôi đứng dậy nhưng tôi cố chấp vẫn quỳ ở đó. Tôi lấy hết dũng khí dùng hai tay nắm chặt lấy bàn tay to lớn của thầy. Và nhẹ nhàng chà sát mu bàn tay thầy lên má mình. Để cảm nhận được bàn tay này vẫn còn hơi ấm, để tôi biết được trái tim của thầy vẫn chưa bị đóng băng.

"Thầy còn nhớ lần đầu thầy an ủi em không? Thầy gần như ghé sát mặt của thầy vào em, em còn nhìn rõ trong đôi mắt lãnh đạm đó đang chứa những gì. "Tôi ngẩng mặt lên đối diện với ánh mắt của thầy "Còn bây giờ thầy nhìn thấy trong đôi mắt của em đang có gì không? Em sẽ không nói bất cứ lời an ủi nào, bởi vì em cũng như thầy. Em cũng rất đau."

Đau vì thầy, đau vì chính mình. Thế giới này, để có được hạnh phúc trọn vẹn thật là khó khăn.

"Tại sao tôi lại có cô học trò như em?" Thầy rút tay ra rồi gõ nhẹ vào trán của tôi.

Tôi đứng phắt dậy phủi bụi sau quần và nở nụ cười thật tươi như đây là lần đầu tôi được cười "Bởi vì thầy may mắn đấy ạ."

Nói lời này không phải tôi muốn đề cao bản thân, mà chỉ đơn giản tôi muốn nhắc nhở bản thân. Mình đã may mắn biết bao nhiêu khi bế tắc nhất, khi đau buồn nhất thì tôi đã có thầy.

Thầy cũng mỉm cười đáp lại tôi, từ lâu nay thầy đã bắt đầu cười với tôi. Tôi dần quên đi vẻ mặt lạnh lùng khi mới gặp thầy, quên sự dịu dàng gượng gạo của thầy khi ở nhà tôi. Bây giờ người đứng trước mặt tôi mới thực sự là thầy, là người thầy toàn năng của tôi.

"Tôi thấy em khác trước rất nhiều."

"Thật ạ?"

"Em cởi mở hơn."

"Em vẫn thế mà." Tôi vốn là cởi mở như vậy rồi. Nhưng tôi chỉ thể hiện nó với những người thân cận của mình.
Sau hôm đó thầy lại là thầy, vẫn nghiêm khắc vẫn lạnh nhạt nhưng ít ra bây giờ thầy có phần dịu tính hơn một chút. Khi có những bạn không cố tình mắc lỗi, thầy sẽ phạt nhẹ hoặc ai bị bạn bè giấu đồ đi tìm trong giờ thì thầy cũng không phạt như đợt trước nữa. Tuy nhiên, thầy ấy vẫn có niềm đam mê với việc cho nhiều bài tập về nhà. Từ trên lớp cho tới lúc học thêm, nhiều tới mức tôi phải chia ra làm hai ngày mới hết được. Nhưng quan trọng là mỗi lần vào buổi tối, làm bài tập về nhà xong thì lại có người nhắn tin với tôi. Thường trực nhất vẫn là thầy rồi đến Minh Nguyệt và anh Lâm Phong.

Còn cô Khả Hân thì đã rời đi ngay hôm thầy quay lại, thầy và cô ấy dường như không có duyên.

Hôm nay, ngày tổ chức biểu diễn văn nghệ ngày 20/11 của trường tôi cuối cùng cũng đến. Trước đó mấy ngày, nhà trường đã yêu cầu nộp báo tường để chấm điểm. Và cả nhóm múa của các lớp cũng phải đến để tham ra xét duyệt. Nhóm báo tường chỉ cần có một người mang nộp rồi về luôn nên Hữu Minh xung phong tự mình mang lên trường.

Hiện tại trên sân trường và các lớp học được trang trí rất nhiều băng rôn chúc mừng. Còn có những dây hoa giả được cuốn quanh các thân cây trong trường. Học sinh trong trường, có người cầm trên tay một giỏ hoa hoặc đơn giản một bông hồng được mua ở cổng trường để tặng thầy cô. Kế bên phập phồng váy áo thướt tha xinh đẹp của những bạn đi múa, từ váy hiện đại đến váy truyền thống đều có. Đồ truyền thống mang nét uyển chuyển mảnh mai, còn đồ hiện đại có phần năng động và không thể thiếu là sự trẻ trung ở tuổi mới lớn của những nam sinh thiếu nữ.

Tất cả học sinh trong trường xếp hàng ngay ngắn trên sân, mọi người đều mặc đồng phục trắng đeo khăn quàng đỏ. Đứng thẳng lưng và nghiêm túc cùng hướng mắt lên sân khấu để nghe anh Lâm Phong chủ trì lễ chào cờ.

Tới khi kết thúc tiết mục chào cờ thì lại đến với những bài diễn văn dài dằng dặc của thầy hiệu trưởng và đại biểu đến tham dự. Rồi mới bắt đầu các tiết mục văn nghệ, người giới thiệu các tiết mục vẫn là anh Lâm Phong và Minh Nguyệt. Những màn biểu diễn độc đáo, uyển chuyển và sinh động được thể hiện hết lên trên sân khấu. Có nhảy, hát, múa và đóng kịch. Rất nhiều những tiết mục đặc sắc.

Nhưng về sau mọi người tụ lại ngồi với nhau trông rất hỗn độn. Tất cả chỉ mong chờ đến lúc trao giải để trở về lớp, càng về sau càng không còn ai quan tâm những màn biểu diễn trên sân khấu nữa. Những màn biểu diễn được chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều ngày cũng chỉ múa cho mình họ xem mà thôi.

Giây phút công bố giải, cả trường phải xếp hàng ngay ngắn rồi mới bắt đầu. Ai cũng mong chờ lớp mình được đạt giải, thế nhưng giải nhất văn nghệ, báo tường vẫn thuộc về lớp của anh Lâm Phong. Tiếp theo là những giải hai giải ba, lớp tôi năm nay lại đạt giải khuyến khích báo tường. Và đặc biệt nhóm múa lần này cũng đạt giải khuyến khích.

Kế tiếp là giải lớp học xuất sắc, cá nhân xuất sắc, khen thưởng học sinh giỏi. Anh Lâm Phong phải lên sân khấu không dưới ba lần và Minh Nguyệt cũng không kém cạnh liên tục được lên sân khấu nhận giải. Tôi không có giải gì nhưng nhìn họ tài giỏi như vậy thì tôi không ngừng nhiệt liệt vỗ tay chúc mừng, chỉ thiếu điều đứng lên khoe với mọi người rằng họ là bạn của tôi.

Rất nhanh, đại diện phụ trách sân khấu đã công bố bế mạc. Chỉ chờ câu nói này, tất cả đứng lên ùa vào lớp học. Hôm nay các lớp đều tổ chức ăn liên hoan nên có rất ít học sinh bỏ về trước. Lần liên hoan này là phụ huynh chuẩn bị nên chỉ có một vài bạn hỗ trợ sắp xếp bánh kẹo. Trong lúc chờ, mấy bạn nữ chủ động tặng hoa và xin chụp ảnh với thầy. Thầy không phản đối hay tránh né nên có rất nhiều bạn nữ chen chúc nhau để được chụp ảnh. Ngay cả lúc diễn ra văn nghệ, còn có mấy bạn nữ lớp chuyên mặc trang phục múa và cũng xin được chụp ảnh với thầy.

Tôi chỉ ngồi dưới xem, có chen vào thì cũng bị bạn bè trong lớp cười chê. Làm tâm điểm của lớp theo cách này không có ai muốn cả. Tôi im lặng ngồi ăn rồi đi về thôi. Cuối giờ liên hoan xong thì ai cũng đứng dậy đi về hết, chỉ còn một vài bạn ở lại dọn dẹp. Nhân cơ hội lúc thầy chưa về, tôi lấy bông hồng giấu trong ngăn bàn ra.

Tôi mua lâu rồi nhưng vì ngại nên cứ để trong ngăn bàn. Bông hoa hồng cũng đã bị héo đi không ít, vì còn một lớp nilon trong suốt gói ở ngoài nên phần nào cứu vớt được bông hoa không bị trơ trụi quá. Tôi hít sâu một hơi rồi cầm bông hoa lên bàn giáo viên.

"Thầy ơi, đây là hoa của em." Tôi giơ bông hoa lên che trước mặt mình, ngượng quá nên tôi không thể nói được câu nào tốt hơn.

"Cảm ơn em." Thầy lấy bông hoa trên tay tôi.

Sau nhiều lần phân vân tôi đã tặng được hoa cho thầy, tôi mừng quýnh quay lưng đi về luôn mà quên chưa chào thầy. Ra đến cửa nhớ ra thì cũng đã muộn. Tôi lùi lại, ngó vào trong lớp. Thầy không để tâm, thầy ấy đang ngồi sắp xếp lại hoa và quà mà mọi người tặng cho thầy.

"Ngó gì thế?"

Bị thầy phát hiện, tôi đứng ra giữa cửa ra vào. Trong đầu không ngừng tìm ra lý do bao biện, tôi không thể nói sự thật cho thầy biết, sợ bị thầy cười vào mặt.

"Em... em muốn chụp ảnh với thầy." Nói xong chỉ muốn lấy keo 502 dán chặt miệng của mình, càng bối rối tôi càng không thể nào kiểm soát được miệng lưỡi nữa.

"Được."

Biết rõ thầy sẽ đồng ý nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị gì cả. Tôi đứng đơ người một lúc rồi mới cầm điện thoại đến chỗ thầy, mở điện thoại lại thấy không lên nguồn. Có lẽ là hết pin, tôi thầm thấy may nhưng vẫn có gì đó tiếc nuối.

"Điện thoại em hết pin rồi."

"Không sao, điện thoại tôi còn pin. Chụp bằng điện thoại của tôi rồi gửi sang facebook của em." Thầy lấy ra điện thoại trong túi quần và bấm mở ứng dụng chụp ảnh. Khi nhìn tôi, thầy bỗng nhếch môi cười "Em đang ngại sao?"

"Không, em không có ngại."

"Hôm trước khi tôi mới về, không thấy em ngại như hôm nay."

Không đợi tôi trả lời, thầy cầm điện thoại ghé sát vào tôi và chụp liên tiếp ba bức ảnh. Chụp xong tôi chào thầy rồi đi về, xuống đến cầu thang tôi ngay lập tức ngồi sụp xuống. Lúc này tôi rất muốn hét lên để che giấu đi sự ngại ngùng xấu hổ của mình, thế nhưng trên sân trường đang có nhiều người. Giờ mà hét lên sẽ thu hút sự chú ý của mọi người.

Một lúc sau tôi mới đứng thẳng dậy đi lấy xe đạp để về nhà.