Hệ Thống Này, Ta Không Cần!

Chương 89: Phản Biện



Hệ thống này, ta không cần!



Nguyên Phục nghe Bùi Diệp oang oang nói, tiếng nói vang vọng khắp nơi. Giữa chốn binh đao chơm chởm cũng không lấn át được giọng y, quả nhiên không đơn giản là Ma Tu chỉ biết giết chóc. Mà ngay cả phương diện nắm bắt lòng người đều am hiểu rõ ràng.

Nguyên lai, Quân Trận lập nên dựa vào không chỉ người đông thế mạnh, mà còn có cả sĩ khí ba quân.

Những lời nói của Bùi Diệp khiến quân binh xao động, Ngũ Hoè cảm giác được trận thế chưa lên đã tắt. Bụng không khỏi hoảng kinh, vội truyền âm cho Nguyên Phục được hay.

Nguyên Phục nào không phải không biết? Hắn cười khẩy, trỏ tay hướng Bùi Diệp nói rằng:

- Mi muốn dùng lời nói khích bác, hòng phá ta Quân Trận ư? Nực cười thay, mi có biết giang hồ mạng xưng ta là: “Anh Hùng Bàn Phím, Bậc Thầy Phản Biện, Truyền Nhân Cơ Thiếu Hoàng” đó chăng? Muốn so đo miệng lưỡi, thật coi hổ không gầm là mèo bệnh. Dỏng tai lên mà nghe ta nói đây này.

Bùi Diệp ngớ người, gã không hiểu Anh Hùng Bàn Phím, Bậc Thầy Phản Biện, Truyền Nhân Cơ Thiếu Hoàng… trong lời nói của Nguyên Phục là gì. Cười lạnh, thầm nghĩ:

“Để xem mi làm được trò trống gì!?”

Chỉ nghe, Nguyên Phục hít sâu một hơi vào bụng, nói lớn:

- Bớ Bùi Diệp, chớ có trát vàng vào mặt, tự cho là đúng. Mi nói chủ ta trên không trọn đạo làm con, dưới không đúng với kẻ làm tôi. Thế mà không hiểu rằng, đạo Hiếu nên cất giữ ở trong lòng, không phải cứ bo bo bên miệng.

- Ta thường thấy Bát Hoàng Tử ngày ăn không ngon, đêm nằm không yên. Nửa đêm thức giấc lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, cũng chỉ vì nhớ tới Tiên Hoàng. Chỉ hận có kẻ trong bóng tối giở trò cặn bã, âm mưu ám toán nên không thể dời bước về Kinh phúng viếng. Ở đây có ba quân chứng giám lời này! Tiên Hoàng trên trời có linh cũng chẳng hề trách tội. Còn chưa tới lượt kẻ như mi đứng đây chỉ trỏ.

- Còn nhắc tới Trung Nghĩa, Bát Hoàng Tử tâm hướng về Đại Uy, chỉ mong sao đất giàu nước mạnh. Ngay cả Tiên Hoàng thời khắc lâm chung còn viết mật chỉ phong làm Vương tước. Có lẽ đâu không giữ được đạo của kẻ làm tôi?

Nói rồi một tay giơ lên ấn tín, một tay khác giơ lên thánh chỉ.

Lý Công Minh vừa thấy hai vật này, ánh mắt trở nên đỏ ngầu căm tức, hàm răng nghiến kèn kẹt tới mức bật cả máu. Xung quanh tướng tá trầm mặc không dám nói lời nào.

Phía bên này, Bùi Diệp cũng chẳng tốt hơn là bao, gã khuôn mặt sạm lại, không nghĩ được lời lẽ Nguyên Phục lại sắc sảo như thế.

Chỉ nghe, Nguyên Phục ngửa mặt lên trời cười ha hả, nói tiếp:

- Ta vốn không thích nói nhiều, nhưng gặp bọn mi bực này Ma Đạo mà dám đứng đây xàm ngôn? Vậy nên ta phải nói với chư quân rằng: Tam Hoàng Tử lỗi đạo, ám toán huynh đệ của mình hòng tranh ngôi hoàng thất, đấy là tội bất nhân. Chém đầu trung thần đấy là mang danh bất nghĩa. Nghe lời yêu ngôn, một trận đánh tổn thất sáu mươi vạn quân binh, thêm cái bất tài. Thử xem trên đời này có bậc quân Vương nào kém đến thế chăng? Bực người như vậy, vì sao bọn ta phải lấy Lễ Nghĩa ra tiếp đãi!?

Đoạn hắn tiếp lời:

- Còn chủ công nhà ta phước đức chói ngời, lẽ nào lập không hướng phần vinh hiển. Đấy là thuận theo lòng trời, thuận theo lòng người, phò người hiền mà diệt kẻ ác đó là chính lý. Còn mi vì báo thù mà hạ sơn, lấy chuyện công mà trả thù tư, lấy thân Ma Đạo đi quản chuyện quốc sách, đi nghịch với lý số trời đất, nên phải diệt vong. Ta khuyên một câu chân thật, nếu mi hiểu chuyện thì nên lui về núi ở ẩn, chớ ra can chuyện binh đao nữa. Bằng không ta đánh một phát, bao năm tu hành trở về con số không!

Bùi Diệp mắng Lý Công Thăng không trọn đạo Trung, Hiếu, Lễ, Nghĩa. Nguyên Phục lại mắng Lý Công Minh bất nhân, bất nghĩa, bất tài. Lời lẽ hùng hồn khiến ba quân sĩ khí tăng cao vút, nhất thời Quân Trận thành hình. Khắp nơi tràn đầu túc sát chi khí.

Ngũ Hoè nhận thấy thời cơ đã điểm, giơ kiếm lên hét lớn:

- Phò người hiền, diệt kẻ ác!

Ba mươi vạn binh mã đồng thanh hô theo:

- Phò người hiền, diệt kẻ ác! Phò người hiền, diệt kẻ ác!

Bùi Diệp bị sát khí quân trận phả vào mặt, nhất thời xanh lét. Không dám tiếp tục ngự không, đành phải hạ xuống đứng trên tường thành. Cả giận mắng:

- Được cái mồm mép dẻo quẹo, nay ta lập một cái trận ở phía Tây Bắc, trên có thiên la, dưới giăng địa võng. Nếu phá được trận này, ta cùng chư quân nguyện dập đầu chịu thua, như phá không đặng là do học nghệ chẳng tinh. Mi được Ma Cốc xưng là thần mưu quỷ toán, có gan dám phá trận hay không?

Nguyên Phục sớm đã biết ý đồ đối phương, nhưng còn chưa dám chắc Câu Hồn Đài đặt trong trận pháp, bèn nói:

- Chỉ là tiểu trận rác rưởi sao làm khó được ta? Nhưng ta đi rồi bọn mi đánh lén thì biết làm sao được!

Bùi Diệp lạnh giọng nói:

- Dù hai ta là Ma Đạo tu sĩ, nhưng cũng không đến mức phải làm chuyện hèn hạ như thế.

Nguyên Phục cười khinh bỉ, nhưng nếu muốn điều tra thêm quả thực không thể không quan sát thủ đoạn đối phương, bèn nói:

- Được lắm, dẫn ta tới đó đi.

Nói rồi quay qua ra hiệu cho Ngũ Hoè. Vậy là hai bên kéo quân tới sát trận đồ, bên địch người đông thế mạnh, Nguyên Phục cũng không cậy mình mạnh mà làm liều, cùng Ngũ Hoè đứng trong quân trận xem xét.

Bấy giờ Bùi Diệp đứng ngoài cửa trận để xem thái độ của Nguyên Phục.

Ngũ Hoè cử mấy tên binh lính tu vi tầm Trúc Cơ phi hành quanh trận đồ xem xét, thấy nơi đây sương đen mù mịt, linh thức không tràn qua nổi năm bước. Chỉ thấy bốn hướng trận đồ đều có cổng lớn, mỗi cổng đều treo một tấm bản đề chữ. Phía trên cổng ngự một đầu hung thú. Nguyên Phục hỏi cặn kẽ con thú ấy như thế nào, tên lính thưa:

- Cổng Hãm Tiên Môn có một đầu thú thân dê mặt người, mắt nằm dưới nách, răng cọp móng người, tiếng kêu the thé như hài nhi. Cổng Trảm Tiên Môn có thú thân hình như hổ, lông dài hai thước, chân hùm mặt người, đuôi dài trượng tám. Cổng Triệt Tiên có thú dáng như chó, lông dài, bốn chân, tựa gấu mà không có vuốt, có mắt mà nhắm tịt. Cổng Tru Tiên có thú giống như Sư Bằng.

Nguyên Phục nghe nói một lượt, cảm giác mấy con hung thú này quen quen nhưng còn chưa dám chắc. Bèn quay qua hỏi Ngũ Hoè, nhưng gã cũng lắc đầu nói không biết.

Đợi đám người xem xong rồi, Bùi Diệp mới hỏi:

- Người biết trận chăng?

Nguyên Phục trầm tư chốc lát, hắn lần đầu chứng kiến đại trận quy mô tầm cỡ kiểu này. Trước đây trong Kiều Gia trang cũng thấy Vạn Tượng Sâm La Đại trận. Nhưng không đến nỗi khiến toàn thân hắn lạnh buốt như toà trận trước mắt. Chỉ có điều, bây giờ mà nói không biết há chẳng phải giảm uy phong quân mình hay sao?

Hơn nữa, sợi Câu Hồn Tơ điểm cuối nằm ở bên trong toà trận pháp này. Hiển nhiên đối phương sớm đã dấu Câu Hồn Đài trong đấy. Mình không muốn phá cũng phải phá cho bằng được, nếu không đâu chỉ đơn giản là thân tử đạo tiêu?

Nghĩ vậy, hắn liền đáp:

- Trận này có gì đâu mà lạ, bất quá hôm nay chúng ta hội quân chỉ để diện kiến nhau, không thích hợp phá trận. Ðợi chừng nào chuẩn bị đầy đủ, ta sẽ đến phá.

Bùi Diệp nói:

- Được, nhưng hạn chỉ có mười ngày, nếu ngươi không phá được trận. Khặc khặc khặc…

Nói xong câu liền nở nụ cười ghê rợn.

Nguyên Phục biết đây là đối phương cảnh cáo mình. Cũng lười nhác buông ngoan thoại, lạnh nhạt nói:

- Đã thế, bây giờ xin giã biệt.

Dứt lời, Nguyên Phục dẫn chư quân lui ra cách đây mấy chục dặm, đóng quân hạ trại.

Chập chiều ngày hôm đó, Ngũ Hoè mang đồ ăn vào trướng, thấy Nguyên Phục ôm đầu ngồi thơ thẩn một góc liền tiến tới hỏi thăm:

- Đại nhân định phá trận ấy như thế nào?

Nguyên Phục thở dài nói:

- Ta đoán quả nhiên chẳng sai, đối phương giấu Câu Hồn Đài bên trong trận đồ. Nếu muốn phá bỏ Chú Thuật không thể không nhập trận được. Nhưng ta là một cái Luyện Thể tu có biết chi về trận pháp đâu?

Ngũ Hoè cả ngờ, nói:

- Chẳng phải ngài lúc đó nói muốn phá lúc nào chẳng được sao? Thuộc hạ tưởng…

Nguyên Phục cười nhạt, lắc đầu nói:

- Ta nói như thế mà ngươi cũng tin? Chẳng qua khi đó không muốn làm mất sĩ khí ba quân nên mới phải bốc phét như thế.

Hai người nhìn nhau rồi lặng thinh. Đến nửa đêm, Nguyên Phục lấy giấy bút viết một bức thư, đặt trong túi gấm rồi truyền người mang nó cho Ngũ Hoè. Còn mình thì nai nịt hẳn hòi, xách theo pháp bảo đằng không bay đi mất.