Tây Du: 81 Kiếp Nạn Bị Chơi Hỏng Rồi

Chương 6: (Nạn thứ 3) Gặp biến cố Kính Hà Long, khuyên nhủ không xong cũng thôi đành phận (2)



Chương 6: (Nạn thứ 3) Gặp biến cố Kính Hà Long, khuyên nhủ không xong cũng thôi đành phận (2)

Về phần Kính Hà Long Vương, vừa về thuỷ phủ, chưa kịp ngồi vào long ỷ thì đã có tướng nhà trời đến, kêu ra tiếp chỉ.

Lãnh chỉ xong, Kính Hà Long Vương tay cầm thánh chỉ mà lạnh buốt. Quả nhiên y như lời Viên Thủ Thành dự đoán.

“Ngày mai giờ Thìn thì kéo mây, giờ Tỵ nổi sấm, giờ Ngọ mưa, cuối giờ Mùi tạnh. Tổng lượng nước là ba thước ba tấc, bốn phân tám ly”.

Kế bên, quân sư Cáy thấy đại vương lo âu bèn hỏi chuyện.

Thế là Kính Hà Long Vương kể lại chuyện đánh cược của mình và Viên Thủ Thành cho hắn nghe. Quân sư Cáy nghe xong thì phì cười bảo:

“Chuyện hành vân bố vũ là của Đại vương. Đại vương muốn như thế nào thì như thế ấy! Giảm 1 giọt nước, lệch 1 tích tắc chẳng lẽ bề trên cũng bắt tội hay sao?”

Mặc dù nghe cũng hơi có lý, nhưng nhớ tới lời của Đường Tăng, Kính Hà Long Vương cũng không dám gật đầu, chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

….

Sáng hôm sau, Kính Hà Long Vương đứng ở trên mây mà tâm như chìm xuống đáy cốc. Tối qua ông đã suy nghĩ cả đêm mà vẫn không thể nguôi ngoai. Nếu chịu thua thì Viên Thủ Thành không chịu dẹp bản hiệu, con cháu sông Kính Hà sẽ vì bị Viên Thủ Thành chỉ điểm cho ngư dân đánh bắt mà dần diệt tuyệt hết. Nhưng nếu không muốn thua thì chỉ có cách...

Cắn răng, Kính Hà Long Vương vẫn quyết định hành vân bố vũ cho mưa xuống đúng giờ. Nhưng ông cố tình cho ít đi nửa giọt mưa so với chỉ định. Ông nghĩ rằng chắc nhiêu đó thôi, cho dù bị tội thì cũng sẽ không nặng lắm.

Làm xong, Long Vương thở ra 1 hơi, lại hoá thành bộ dạng Bạch Y Tú Sĩ rảo bước đến chỗ quầy bói toán. Tuy nhiên, cũng giống như Đường Tăng hôm qua, ông không tìm thấy quầy bói toán đâu cả. Kính Hà Long Vương tưởng Viên Thủ Thành đã trốn chạy, nên kéo 1 vài người lại hỏi thì ai cũng cho rằng ông nhớ lầm, làm gì có thầy bói toán nào ở đó.

Kính Hà Long Vương sắc mặt tái mét. Ông quay trở lại chỗ quầy bói toán, định lục tung chỗ đó lên thì kỳ lạ thay, ngay khi Kính Hà Long Vương vừa đi đến, 1 cơn gió nhẹ thổi qua, thổi bay lớp bụi, để lộ ra 1 dòng chữ dưới đất: “Cố tình vi phạm thiên điều, ngươi c·hết chắc! Giờ Ngọ ngày mai ngươi sẽ bị Nguỵ Trưng chém đầu. Muốn toàn thây tìm Đường Vương, cản Nguỵ Trưng!”

Kính Hà Long Vương đọc xong chưa kịp làm gì, dòng chữ đã tan biến theo làn gió.



Giữa lúc đó, Kính Hà Long Vương nghe 1 tiếng gầm như tiếng sét bên tai:

“Kính Hà Long Vương! Ngươi đã phạm tội tày đình! Còn không mau mau về long cung nhận tội!? Nếu ngươi dám kháng lệnh, ta sẽ cho người diệt hết con cháu sông Kính Hà của ngươi!”

Kính Hà Long Vương tinh thần rã rời, thất tha, thất thểu bay về thuỷ phủ.

Tại đây, không biết từ khi nào đã có Thiên Binh Thần Tướng chực sẵn. Kính Hà Long Vương vừa về tới, liền vội vàng quỳ xuống tiếp chỉ.

“Phụng Đông Cực Thanh Huyền Cửu Dương Đại Đế Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn pháp chỉ! Kính Hà Long Vương vốn lãnh việc hành vân bố vũ lưu vực sông Kính Hà. Nhưng hôm nay, chỉ vì ham hơn thua chút tiền đặt cược mà dám làm sai thiên ý, làm phương hại đến vô số sanh linh bá tánh. Đông Thắng Thần Châu là Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn phân cho ta cai quản, vốn thấy tội nhỏ, có thể tha. Nhưng ngươi dám làm bậy tại nơi Thiên Tử ngụ, Thiên Tôn trách tội xuống, ta cũng hết cách. Vì lẽ đó, nay ta ban sắc lệnh: Không quá giờ Ngọ ngày mai, Kính Hà Long Vương tại Trảm Long Đài lãnh án chém đầu! Khâm thử!”

“Lão… thần… tiếp…chỉ!”

Kính Hà Long Vương giọng run mà tay cũng run lĩnh pháp chỉ. Không nói nhiều lời, Thiên Binh Thần Tướng tay cầm xích sắt vàng, trói gô lão Long Vương lại kéo về Thiên giới.

Đêm hôm đó, Kính Hà Long Vương ở trong ngục giam, hồi tưởng lại dòng chữ của Viên Thủ Thành, rồi lại nhớ tới pháp chỉ, lẩm bẩm:

“Không quá giờ Ngọ, tức là nếu để quá giờ Ngọ thì ta có thể sống rồi!”

Biết đường thoát c·hết, lão long bèn thi pháp báo mộng cho Đường Vương.

Nói cũng “trùng hợp” không biết vì “sơ ý” hay sao mà Thiên Binh Thần Tướng trói cũng lỏng, “vô tình” chừa 1 chút “kẽ hở” để Long Vương làm pháp.



Mọi chuyện tiếp theo diễn biến y như nguyên tác: Long Vương báo mộng Đường Vương, Đường Vương hôm sau cũng tuân thủ hứa hẹn, rủ Nguỵ Trưng ra đánh cờ, cốt để cầm chân hắn. Thấy thần tử đánh cờ mà ngủ gật, Lý Thế Dân còn lấy quạt mà quạt cho. Ai dè lúc đó Nguỵ Trưng đang nằm chiêm bao, thấy mình được mời lên thiên cung trảm rồng. Trong lúc nghiệt Long bỏ chạy, Nguỵ Trưng đuổi không kịp, nhờ có Đường Vương quạt trợ lực, thuận gió Nguỵ Trưng đuổi kịp chém rơi đầu rồng.



Hôm sau, lúc đang trên triều, bỗng nhiên đầu rồng của Kính Hà Long Vương từ trên trời rơi xuống.

Đường Vương không rõ chuyện gì, bèn hỏi các thần tử. Sau khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện từ thần tử, Đường Vương cũng sợ tái mặt, sợ bị nghiệt long trả thù. Quả nhiên, từ dạo đó trở đi, đêm nào Lý Thế Dân cũng nằm mơ bị oán long đến đòi mạng vì bội ước. Ngày qua ngày tích tụ thành bệnh, thái y, lang trung cả nước đã dốc hết lòng mà cũng không chữa được.

Hôm đó, vào tháng âm, giờ âm, ngày âm, tẩm cung Đường Vương âm khí mù mịt, bất chợt 1 đạo Long ảnh khủng bố, máu me đầm đìa xông thẳng vào tẩm cung.

“Hộ giá! Hộ giá!”

Các vị hộ vệ, võ tướng hô hào xông lên cứu giá, nhưng đều bị Oán Long hất bay chổng vó, ngã lăn ra đất.

Giữa lúc nguy cấp, từ chân trời xa xôi, 1 luồng hào quang màu vàng óng bay nhanh tới.

“Nghiệt Long còn không mau mau dừng tay!”

“Đại Uy Thiên Long! Thế Tôn, Địa Tàng, Bàn Nhược Chư Phật, Bát Nhã Ba Ma Hống!”

Một chiếc Kim Bát khổng lồ từ trên trời trấn áp xuống.

Oán Long cũng không chịu thua, quay đầu gầm lên 1 tiếng:

“Ngao!”

“Hừ! Điêu trùng tiểu kỹ mà cũng dám múa rìu qua mắt bản tôn?”

“Oành!”



Oán Long tắt tiếng, bị thu vào Kim Bát mất tăm.

Pháp Hải đáp xuống đất như thiên thần giáng thế, chộp Kim Bát vào tay.

“Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát!”

“Đa tạ đại sư ra tay giúp đỡ!”

Nguỵ Trưng cùng bá quan nghe tin Hoàng thượng bị tập kích kéo vào hộ giá, vừa kịp lúc thấy Pháp Hải đại triển thần uy, thu phục Oán Long nên cùng nhau tới cảm tạ.

Không đợi Pháp Hải trả lời, Nguỵ Trưng đã dẫn đầu đi trước vội xông vào phòng Hoàng thượng. Vừa vào tới, thấy Đường Vương nằm vẫn còn trên giường mà đã tắt thở, Nguỵ Trưng tái mặt. Nhưng sau đó, ông cũng cố giả vờ trấn định đi ra ngoài, đuổi văn võ bá quan về hết để bệ hạ ngủ ngon.

Chỉ khi còn lại Pháp Hải, ông mới bước tới gặng hỏi vài điều. Biết hoà thượng trước mắt đúng là đại danh đỉnh đỉnh Pháp Hải thiền sư, chuyên trừ yêu tà, Nguỵ Trưng mới an lòng.

Sau đó, không biết 2 người trao đổi với nhau điều gì rất lâu, Nguỵ Trưng lấy giấy bút ra, viết thư gửi Thôi Phán quan nhờ hoàn hồn cho bệ hạ. Viết xong liền đưa cho Pháp Hải, Pháp Hải nhận thư rồi vẽ lên đó 1 bùa chú thần bí, gửi thẳng xuống cho Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nhận được bức thư, Địa Tạng Bồ Tát nhắm mắt nhập định như đang trao đổi với ai đó. Lúc sau, bức thư mới tới tay Thôi Phán quan, coi như đồng ý để Thôi Phán quan cho linh hồn của Đường Vương được trở về thân xác.

Khoảng chừng 1 canh giờ sau, Đường Vương được hoàn dương. Mở mắt ra, thấy Nguỵ Trưng và Pháp Hải đứng bên giường liền biết mọi chuyện không phải là mơ.

Xác định nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, Pháp Hải từ giã 2 người, mang theo Kim Bát chứa Long hồn của Kính Hà Long Vương rời đi.

Tẩm cung chỉ còn Đường Vương và Nguỵ Trưng ở lại, có lẽ vì vừa trải qua cú sốc quá lớn, Đường Vương không tài nào ngủ lại được, nên bắt Nguỵ Trưng ở lại trò chuyện tới sáng.

Sáng hôm sau, khi vừa lên triều, Lý Thế Dân đã ngay lập tức cho ban bố chiếu lệnh, tập hợp tăng chúng trên cả nước, tổ chức “Thuỷ lục pháp hội” (Thuỷ là nước, Lục là trên cạn, tức là làm pháp hội siêu độ vong linh ở cả 2 nơi này).



Đâu đó trên chín tầng mây, Từ Hàng Bồ Tát mang theo Huệ Ngạn Hành Giả Mộc Tra, sau khi lĩnh pháp chỉ của Đa Bảo Như Lai khoan thai ngự mây mà tới kiểu: Ta là ai? Ta đang ở đâu? Chuyện gì vừa xảy ra? Hình như ta vừa bỏ lỡ thứ gì à?