Trò chuyện với người lớn như Chú Trương thú vị hơn nhiều so với trò chuyện với những đứa trẻ như Hạ Thiệu Minh, trên đường đi Hạ Nhạc nói chuyện rất thoải mái cùng với chú Trương.
Hạ Nhạc rất thích chú Trương, chỉ tiếc là lúc mình ra đời có lẽ chú Trương cũng không còn nữa.
Nhưng cô cảm thấy mình thật may mắn vì có cơ hội gặp gỡ những người này.
Chú Trương cũng thích cô bé Hạ Nhạc này từ tận đáy lòng.
Bé có vóc dáng nhỏ nhắn, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lại có sự trong sáng mà nhiều người lớn không có được.
Có rất nhiều chuyện Hạ Nhạc có thể hiểu được, không cần chú phải giải thích quá rõ ràng. Dù cô bé không nói nhiều nhưng đôi mắt đó cũng có thể cho chú một câu trả lời nhất định.
Cô bé này trường thành trước tuổi.
Đáng tiếc, nếu không phải do quy định năm nay, đừng nói là ở lại nhà Thiệu Hoa chứ tự ông nuôi cũng được.
Khó trách Thiệu Hoa lại cho cô bé ở nhà.
Hai người đói muốn mờ con mắt, chú Trương vẫy tay đưa Hạ Nhạc tới một quán mì để ăn.
Sợi mì trong chén nước dùng trong vắt, được điểm thêm vài cọng hành lá xắt nhỏ, cả hai đều thèm chảy nước dãi.
“Đúng vậy, quán mì này đã mở hơn mười năm, hương vị thật sự không có gì đáng nói,” Chú Trương kiêu ngạo nói: “Những người khác chú không nói cho mà biết đâu.”
Hạ Nhạc cười ha ha một tiếng, húp nước mì xì xụp.
Thời đại này giá cả rất rẻ, Chú Trương trả ba mươi hào cho ông chủ và dẫn Hạ Nhạc đến nơi cần đến.
Quả nhiên đúng như lời Hạ Thiệu Minh nói, nơi đó cách tiệm vải bọn họ từng đến không xa.
Khi đi ngang qua cửa hàng, Hạ Nhạc liếc nhìn cửa sổ.
Chiếc áo khoác màu nâu vẫn lặng lẽ được trưng bày ở đó. Ánh nắng xuyên qua tấm kính chiếu lên bộ quần áo đẹp như một bức tranh sơn dầu.
Chú Trương chú ý tới biểu tình của Hạ Nhạc, đột nhiên hỏi: “Cô bé, cháu không phải người Tiêu Viên đúng không?”
Hạ Nhạc do dự một lát rồi nói: “Vâng, không phải ạ.”
“Chú nhìn cũng đoán ra được.”
Hạ Nhạc không dám trả lời thêm câu hỏi nào nữa, so với người thời đại này, cô rõ ràng vẫn khác biệt.
“Sau này nếu có người hỏi cháu có phải là người ở xã Tiêu Viên này hay không, chỉ cần nói phải, hiểu không?” Chú Trương giải thích.
Hạ Nhạc hiểu ý, ngoan ngoãn gật đầu.
Chú Trương hô to một câu “Đến rồi”, Hạ Nhạc cởi chiếc mũ rơm che khuất tầm nhìn của mình để nhìn rõ hơn, trước mặt là một ngôi nhà gạch hai tầng.
Ngôi nhà này rất cũ, trên tường có những vết nứt bằng mắt thường, những thanh sắt bên ngoài rỉ sét, hầu hết lớp sơn trên từng cánh cửa sơn vàng đã bong tróc.
Bên cạnh có tấm biển ghi “Văn phòng tạm trú”.
Chú Trương đến gần nhìn xem, cửa không hề hé mở, tất cả các cửa đều bị khóa.
“Có ai ở đó không?” Chú Trương hét lên tầng hai.
Một lúc sau, một người dì đi dép lê bước ra, đứng ở hành lang tầng hai nhìn xuống hai người.
“Tôi đang tự hỏi không biết là ai, lão Trương à, đã lâu không gặp.”
“Chị Yến.” Chú Trương gọi.
Dì tên Yến đó vẫy vẫy tay gọi bảo: “Mau lên đây đi.”
Hạ Nhạc theo chú Trương lên tầng hai, chú Trương giới thiệu: “Đây là chị cả phụ trách đăng ký ở đây, cô ấy là người vùng Đông Bắc, tương đối thẳng thắn, cứ gọi cô ấy là dì Yến.”
Hạ Nhạc “Dạ” một tiếng, bắt đầu suy nghĩ nên làm sao khi được hỏi đến thân thế của mình.
Dì Yến đứng ở cầu thang tầng hai đợi họ lên, ngay khi nhìn thấy nhau là bắt đầu hàn huyên khách sáo.
Sau khi trao đổi vài câu, dì Yến dẫn họ đi về phía văn phòng lớn nhất bên trong, lúc này bà mới chú ý đến Hạ Nhạc đang im lặng đi theo phía sau.
“Đứa bé này rất thông minh, sao lại trở thành trẻ mồ côi?” Dì Yến là người thẳng thắn, nghĩ gì thì nói nấy.
Chú Trương thở dài: “Đúng vậy, nó cũng là một đứa trẻ tội nghiệp.”
Dì Yến cũng thở dài: “Haiz, thương nhỉ.”
Hạ Nhạc không biết tại sao dì Yến lại thở dài, bối rối nhìn Chú Trương.
Chú Trương không nhận thấy sự nghi ngờ của cô, vẫn là bộ dáng phiền muộn.
Không một ai nói thêm gì khác.
Khi người ta nhìn thấy những người đau khổ, họ thường có sự đồng cảm.
Một phần của sự đồng cảm này xuất phát từ khả năng đồng cảm vốn có của con người.
Điều mà Hạ Nhạc không biết là dì Yến từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng khi con gái bà bằng tuổi Hạ Nhạc thì đó chính là năm mà ba tỉnh miền Đông Bắc thất thủ.
Chồng bà đã chết vì bảo vệ bà và con gái.
Con gái bà bị bệnh nặng trên đường trốn thoát, không thể cứu được.
Sau này, tuy bà sống sót và thần kỳ trốn thoát về phía nam nhưng cuộc sống của bà mỗi ngày đều sống không bằng chết.
Phải đến khi được phân công về đây làm việc để giúp đỡ những trẻ em vô gia cư, trái tim bà mới dần bình yên trở lại.
Vì vậy khi nhìn thấy Hạ Nhạc, bà nghĩ ngay đến con gái mình.
Chú Trương nghe mọi người trong đội kể về quá khứ của dì Yến nên cũng không nói thêm để tránh làm dì buồn.
“Cháu đến trễ rồi. Đội đưa đón bọn trẻ vừa rời đi.” Dì Yến bưng hai tách trà đặt lên bàn cho hai người: “Uống chút nước cho đỡ khát.”
“Vẫn là muộn một bước.” Chú Trương nói, nhưng vẻ mặt lại không hề lộ ra chút hối hận nào.
Hạ Nhạc không khỏi nghi ngờ chú Trương cố tình đưa cô đi ăn bát mì đó.
“Không sao mà, có khi đợi lát nữa lại có người đưa mấy đứa nhỏ đến.” Dì Yến trở về phòng làm việc, lấy ra một chồng giấy dày và một cây bút, hỏi: “Cô bé, cháu tên gì?”
“Cháu tên là…” Hạ Nhạc suy nghĩ một chút, cuối cùng không nói tên thật mình ra, “Nhạc Nhạc ạ.”
“Nhạc Nhạc, họ gì?”
“Cháu quên rồi ạ.”
Dì Yến ngẩng đầu dò hỏi Hạ Nhạc, chú Trương thấy thế lắc đầu cười nói: “Chị xem con bé này đấy, hơi ngốc haha.”
“Bao nhiêu tuổi?”
“Mười một tuổi.”
“Là người ở Tiêu Viên à?”
“Vâng.”
“Nhà ở chỗ nào của Tiêu Viên?”
“…”
Trong lúc nhất thời, Hạ Nhạc đại não cứng đờ, vô thức nói ra một địa chỉ.
Sau khi điền đầy đủ thông tin, Dì Yến đi thu dọn giấy tờ, chú Trương vỗ nhẹ đầu Hạ Nhạc, nhỏ giọng nói: “Con gái, đầu óc cháu linh hoạt thật đấy, thậm chí cháu còn có thể nghĩ đến vùng đất hoang đó.”
Hạ Nhạc không biết trả lời thế nào cho chú Trương nghe, vừa rồi cô bối rối quá nên nói cho dì Yến biết địa chỉ ngôi nhà thời thơ ấu của cô.
Vị trí của cây cổ thụ ấy.
Mà bây giờ nơi ấy thực sự là một vùng đất hoang.
Dì Yến khóa cửa tủ đựng tài liệu lại, cầm một chùm chìa khóa, nói với Hạ Nhạc: “Đi thôi.”
“Đi đâu ạ?” Hạ Nhạc hỏi.
“Nơi cháu sống tạm thời.” Chú Trương trả lời cho Dì Yến.
Hạ Nhạc liền nghĩ tới ký túc xá mình ở khi còn học tiểu học. Ký túc xá nhỏ có tám người chen chúc trong các giường tầng, ngoại trừ một hành lang chật hẹp, không có chỗ cho một cái bàn.
“Vậy chú đi nhé.” Chú Trương đột nhiên nói.
Hạ Nhạc đột nhiên ngẩng đầu, nhìn thấy chú Trương đang mỉm cười với mình.
“Trong nhà còn người già đang chờ.”
Hạ Nhạc nghĩ đến người cha nuôi què mà Chú Trương nói đã nuôi nấng chú nên gật đầu hiểu ý.
Chú Trương nhìn thấy vẻ mặt không thể làm gì được nữa của Hạ Nhạc, bước tới chỗ Hạ Nhạc và chạm vào đầu cô.
Chú ấy lấy thứ gì đó từ trong túi ra và đặt vào tay Hạ Nhạc.
Hạ Nhạc nhìn qua thì thấy đó là tờ mười tệ nhân dân tệ. Tờ tiền ố vàng có dòng chữ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được viết từ phải sang trái.
Nghĩ tô mì hai người ăn hôm nay chỉ có 15 hào thì mới thấy mười tệ này có giá trị như thế nào.
“Chú Trương, cháu không thể lấy được.”
Hạ Nhạc nhét tiền lại vào tay chú Trương nhưng bị chú ấy đẩy lại.
“Không phải của chú, là của Thiệu Hoa cho cháu.”
Hạ Nhạc sững sờ tại chỗ.
“Đây hẳn là tiền lương một tháng của thằng bé đó. Từ trước đến giờ thằng bé chưa bao giờ tiết kiệm nhiều tiền, sao đột nhiên lại có nhiều như vậy.”
Hạ Nhạc biết rõ chắc chắn là ông nội ứng trước lương.
Trước kia, người trong nhà đã từng nói lúc ông nội còn trẻ đã phải nuôi sống cả gia đình, ông luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác nên tiền công hàng tháng chỉ đủ tiêu chứ không dư ra được. Nếu như gặp chuyện gì khẩn cấp thì ông sẽ xin ứng trước lương rồi trả công sau.
Hạ Nhạc luôn cảm thấy đây là một tật xấu nhưng thực ra, ở thời đại này thì có lẽ đó là hành động bất đắc dĩ của ông mà thôi.
Cô vuốt vuốt tờ tiền trong tay, hai mắt rưng rưng, cảm giác tờ tiền trong lòng bàn tay nặng như ngàn cân.
Ba người đi đến hành lang, mặt trời đang dần ngả về Tây, chú Trương bước xuống lầu mấy bước, Hạ Nhạc nhìn chú từ lan can lầu hai.
Dì Yến dẫn Hạ Nhạc đến một căn phòng khác trên tầng hai, bà thử nhiều chìa khóa nhưng không mở được.
“Kỳ lạ, sao lại không mở được?”
Dì Yến đang lẩm bẩm một mình, cho đến khi thử chùm chìa khóa trên tay vẫn không mở được cửa, bà giả vờ quay người nhìn chằm chằm Hạ Nhạc.
Hạ Nhạc có chút xấu hổ, hỏi: “Sao vậy?”
Dì Yến nhìn về phía mặt trời lặn, nói: “Chắc có điềm rồi, hẳn là hôm nay không có đứa trẻ nào tới nữa…”
Hạ Nhạc không hiểu ý trong lời nói của bà.
Dì Yến bắt đầu đi về phía cầu thang, Hạ Nhạc tự giác đuổi theo.
Đến lầu một, dì Yến mở cửa một phòng ra, dẫn Hạ Nhạc vào trong.
Căn phòng rất nhỏ nhưng không phải là chiếc giường tầng mà Hạ Nhạc tưởng tượng, mà là một chiếc giường gỗ phủ một lớp vải bố.
“Tối nay cháu có thể ở lại đây.” Dì Yến nói, chỉ vào giường.
Hạ Nhạc gật đầu, trong không khí thoang thoảng mùi ẩm mốc, hình như đã lâu không mở cửa.
“Cô bé, hôm nay một nhóm trẻ em được đưa đi nên mọi người đều đang nghỉ ngơi hết rồi, khi nào đến bữa tối dì sẽ mang cháu.”
Dì Yến nói xong câu này thì quay người bước ra khỏi cửa.
Hạ Nhạc thử ngồi lên giường, nhưng ván giường rất cứng, chỉ có một lớp vải mỏng. Cô thử nằm xuống lần nữa, tuy không có gối nhưng cô cảm thấy ổn, vẫn có thể ngủ được.
Dù sao thì cô ăn nhờ ở đậu mà lớn lên, thậm chí có người lớn còn cho rằng ngủ trên giường cứng sẽ tốt cho lưng của cô.
Hạ Nhạc nằm trên chiếc giường này, nghĩ đến ông nội và ông chú của mình đã ngủ trên sàn hai ngày trên một cái sàn còn cứng hơn thế này, ngẫm lại mới thấy thật áy náy với họ.
Cô lăn qua lăn lại, nghĩ cách nhanh chóng về với ông nội, cảm thấy hơi buồn ngủ.
Cảm giác bản thân còn chưa kịp vào giấc đã bị gọi dậy.
Hạ Nhạc nhìn Dì Yến trước mặt, nghi hoặc dụi mắt.
“Đã đến giờ ăn rồi, cô bé.” Trong tay Dì Yến là một bát cơm nóng, bên trên có một lớp dưa muối.
Hạ Nhạc đáp lại rồi ngồi dậy, Dì Yến đặt bát đĩa và đũa lên giường.
“Dì có việc gấp phải rời đi một lát, cháu ăn trước đi.”
Dì Yến vội vàng rời đi sau khi nói những lời này.
Lúc này, mặt trời gần như đã lặn hẳn sau núi, xung quanh một màu xám xịt.
Hạ Nhạc không hỏi thêm gì nữa, cô cầm bát lên bắt đầu ăn cơm.
Khi ăn miếng đầu tiên, dưa muối mặn đến mức Hạ Nhạc cau mày, vội vàng ăn thêm vài miếng cơm.
Chắc là vì ngày nay rau củ không nhiều nên dưa chua được cố tình làm mặn hơn.
Buổi chiều đã ăn bát mì rồi nên Hạ Nhạc hiện tại cũng không đói lắm, cô chỉ ăn mấy miếng đã thấy no.
Cơn buồn ngủ ập đến, Hạ Nhạc đặt bát xuống đất, lại nằm xuống, tựa đầu vào tay rồi ngủ thiếp đi.
–
Đến khi tỉnh dậy đã là nửa đêm, bên ngoài yên tĩnh, tịch mịch, ngay cả tiếng ồn ào trong thị trấn cũng không thể nghe thấy.
Hạ Nhạc cảm thấy bản thân bị cái giá rét làm tỉnh dậy.
Chẳng ngờ ở đây đêm đến lại lạnh như vậy.
Cô đứng dậy, tìm khắp cả căn phòng nhưng không có bất kỳ cái chăn nào.
Cảm thấy hơi đói, Hạ Nhạc nhìn về cuối giường vẫn còn một nửa bát cơm, cô bê bát lên vét sạch không còn hạt cơm nào.
Ăn xong, Hạ Nhạc cảm thấy ấm áp hơn một chút, cô ngồi tựa lưng vào tường trên giường, cảm thấy vô cùng sảng khoái, không ngủ được chút nào.
Đột nhiên bên ngoài có tiếng sấm vang lên, sau đó trời bắt đầu mưa.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, Hạ Nhạc ở trong phòng run lên vì lạnh.
Cô nhặt tấm vải bố dùng làm nệm lên và quấn quanh người, răng cô vẫn đánh lập cập vì lạnh.
Cơn mưa lớn dường như không có ý định dừng lại, Hạ Nhạc bắt đầu lo lắng cho Hạ Thiệu Hoa và Hạ Thiệu Minh.
Liệu một ngôi nhà tranh nhỏ như vậy có bị mưa lớn như vậy làm hư hỏng vào lúc này không?
Nghĩ như vậy, Hạ Nhạc tựa hồ nghe được giọng nói của ông nội.
Cô dường như nghe thấy ông nội gọi cô là “Nhạc Nhạc”.
Xong rồi. Chẳng lẽ bị sốt do cảm lạnh rồi bị ảo giác?
“Nhạc Nhạc! Nhạc Nhạc!”
Âm thanh càng ngày càng rõ ràng, Hạ Nhạc đột nhiên ném khăn trải giường lao ra ngoài, cô nhìn thấy một bóng người mặc áo tơi đứng trong màn mưa cách đó không xa.
Nhìn thấy động tác mở cửa bên đây, bóng người quay lại nhìn Hạ Nhạc.
Dù đã mặc áo tơi nhưng nước mưa đã làm ướt hết mặt người đó.
Nước mưa chảy dài trên mặt, trong chiếc áo tơi bồng bềnh dường như có thứ gì đó ẩn giấu.