Dự Niên với tay lấy bộ đồ nát đang phơi, nhưng đến giờ nó vẫn còn chưa khô, nếu mang vào người thì sẽ bị dính sát vào da mất, như thế càng khó chịu hơn. Trong lúc đó, tiếng kêu cứu càng thảm thiết, đi kèm với đó là tiếng kêu tha mạng rất thành khẩn, song cũng đổi tuyệt vọng.
Thính giác của Dự Niên cực tốt nhờ vào những bài rèn luyện của Mặc Thư Hương, nên hắn có thể xác định được khoảng cách. Không gần lắm. Nhưng nếu hắn không nhanh chân thì có khi người kia bỏ mạng thật.
Dự Niên không phải thánh nhân gặp ai cũng cứu, nhưng hắn đang túng thiếu. Mà cách để kiếm tiền nhanh nhất (hoặc ít nhất là kiếm được bộ quần áo mới) là đi cứu người có tiền. Trong thời đại phong kiến, người bị cướp phần lớn toàn người dư thừa của cải, không thì cũng sở hữu một nguồn tiền kha khá so với mặt bằng chung.
Ném bộ quần áo xuống dưới suối để dòng nước cuốn đi, Dự Niên nhanh chóng dùng khinh công phóng lên các cành cây rồi ẩn mình vào tự nhiên, giấu đi hơi thở của bản thân.
Không ngoài dự kiến, người bị cướp là một người đàn ông đứng tuổi, có lẽ ngoài ngũ tuần, với vẻ ngoài không mấy khỏe mạnh, dáng người thấp bé chỉ cao hơn Dự Niên khoảng nửa gang tay là cùng. Lão loay hoay bảo vệ xe hàng của mình một cách đáng thương, mặc cho miệng kêu gào cứu giúp và xin tha mạng thì cũng không ngăn được bước tiến của hai tên thổ phỉ.
Bọn chúng đánh hơi được mùi tiền trên xe hàng của lão, nhưng không cướp vội vì muốn nhìn dáng vẻ đáng thương đến tuyệt vọng của đối phương. Bọn chúng cười khoái trá, còn đập hai thanh đao vào nhau để uy hiếp. Bọn chúng tiến lại gần xe hàng, dường như đã không còn hứng thú với sự thảm hại của nạn nhân mà chuẩn bị hành động.
Chợt một tiếng vút vang lên từ phía sau, một tên thổ phỉ liền đổ gục xuống đất, trực tiếp bất tỉnh. Viên đá sỏi lăn trên đất thu hút sự chú ý của tên còn lại, hắn liền nắm chặt đao trong tay, không quan tâm đến đồng đội mà quát lớn:
“Kẻ nào? Cút ra đây cho ông!”
Người đàn ông đáng thương giật thốt mà nhắm chặt mắt mình. Là một thương nhân, lão tuy nhát gan nhưng lại khá nhanh nhạy với mọi tình huống. Lão biết tiếng kêu cứu của mình đã có tác dụng, nên lão lập tức trốn ra sau xe hàng rồi ló cái đầu ra quan sát tình huống.
Tuy nhiên, một cái bóng đen bất ngờ vụt qua đầu lão rồi đập mình vào gốc cây phía sau. Là tay thổ phỉ còn lại. Hắn đau đớn phun một ngụm máu rồi luống cuống chống đao nửa quỳ trên đất. Một bóng người chợt xuất hiện phía sau, vòng hai tay về trước khóa cổ hắn lại, đôi mắt liền trợn ngược, sắc mặt tái nhợt như tờ giấy rồi ngất lịm.
Vứt tên thổ phỉ kia sang một bên, Dự Niên nhanh chóng vòng ra gốc cây sau lưng rồi ló đầu ra.
“Thúc không sao chứ?” Hắn hỏi thăm.
Người đàn ông đáng thương ngớ người ra, lão gãi đầu nhìn lại hai tên thổ phỉ, đầu đầy dấu hỏi. Dường như hai tên này không đáng sợ như lão nghĩ lắm. Lão vội vàng đáp:
“Cậu bé… không, thiếu hiệp, là cậu giúp ta sao?”
“… Ta nghe thấy thúc kêu cứu.” Dự Niên lên tiếng, hắn cố ý ngắt quãng ra. “… Thúc có bộ đồ nào không? Ban nãy giật mình quá nên… bộ đồ của ta trôi theo suối rồi.”
Dự Niên không phải diễn viên chuyên nghiệp, nhưng ông nội hắn lại bắt hắn phải đi theo con đường này. Bởi giang hồ là chốn hiểm ác, hắn tuyệt đối không nên để lộ bản chất của mình cho một người mới gặp lần đầu, dù người đó chẳng liên quan gì đến võ lâm.
Hiện tại, hắn vẫn đang là một đứa trẻ đang lớn, nên cứ giả bộ đáng thương hết cỡ thì kiểu gì cũng sẽ có người động lòng. Càng lớn tuổi, càng dễ bị lừa.
Người đàn ông đáng thương hiểu lời Dự Niên rất nhanh, lão có thể thấy mái tóc còn ướt của hắn. Lão đi qua con đường này nhiều lần, cũng biết gần đây có một con suối, có vẻ ân nhân của lão vừa ở đấy xong. Lão nhanh chóng mỉm cười rồi lật tấm vải lớn che trên xe hàng ra, thứ được giấu không ngờ là vải vóc và quần áo được xếp gọn gàng.
“Thiếu hiệp cứ lựa chọn tùy ý.” Lão nói.
Thì ra là thương buôn. Dự Niên cảm thấy thật may mắn, hắn cần quần áo là nguyên một tay thương lái lập tức đưa mình đến cửa. Xem ra vận may hôm nay của hắn không tệ, có lẽ sẽ được ăn một bữa ra trò đây.
Dự Niên lên tiếng cảm ơn, sau ngượng ngùng ra hiệu cho lão tránh mặt sang chỗ khác. Nguy hiểm đã qua, lão nhân cũng không còn căng thẳng nữa. Dù sao cũng chỉ tránh mặt nên lão chỉ cần ngoảnh mắt sang chỗ khác là được.
Dự Niên không kén cá chọn canh, hắn chỉ cần một bộ quần áo đơn giản với chất liệu bền một chút. Hắn cố gắng không chọn những bộ quá đắt tiền để lấy thiện cảm của đối phương. Nhìn vào hướng đi của xe hàng thì kiểu gì ngày sau đôi bên cũng chạm mặt trong thành Tương Dạ, Dự Niên không muốn làm mất mối quan hệ “cho ăn miễn phí” này đâu.
Dự Niên chọn một bộ quần áo phổ thông với hai màu xám đen: áo lót xám và áo khoác ngoài đen, quần cũng đen nốt, dây buộc lưng áo cũng có màu đen. Nhìn chung thì hắn chẳng khác gì một cục than di động, ngoại trừ làn da trắng đến nhợt nhạt cùng mái tóc đen như gỗ mun.
“Mặc dù là một bộ quần áo đơn giản, nhưng thiếu hiệp thật sự hợp với nó đấy.” Người đàn ông đáng thương không tiếc lời khen ngợi.
“… Thúc quá khen rồi.” Dự Niên khiêm tốn gãi đầu.
Thật ra thì người của thời phong kiến không biết đến khái niệm dưỡng trắng và chống nắng là gì cả, ngày ngày đều bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên da tối màu cũng phải. Những người trắng thật sự phần lớn đều là con cháu nhà giàu suốt ngày ru rú trong nhà không ra ngoài đường. Đôi khi cũng có ngoại lệ, song chưa bao giờ chiếm con số chủ đạo. Mà da đã tối thì mang quần áo kiểu gì cũng khó mà đẹp lên nổi. Dự Niên da trắng, mang giẻ rách trên người còn làm người ta trông ra khí chất thì ăn mặc đường hoàng một chút lại càng nổi bật hơn.
Dự Niên nói thật lòng, nhưng người đàn ông đáng thương chỉ thấy hắn khiêm tốn, nên càng nhìn hắn thì lão càng thấy thuận mắt hẳn.
“Vừa rồi nếu không có thiếu hiệp thì ta đã mất trắng rồi, có khi đến cái mạng quèn này cũng không còn. Ta là Triệu Khương, là người buôn bán nhỏ ở trong thành Tương Dạ… nếu thiếu hiệp không chê, ta muốn mời thiếu hiệp về nhà để thết đãi một bữa thay cho lời cảm ơn. Không biết ý của thiếu hiệp như thế nào?”
Triệu Khương… Dự Niên âm thầm ghi nhớ cái tên này. Ở thời phong kiến, người có họ thường là người có tiền, mà người có tên được ghép từ hai họ nữa thì thông gia đôi bên lại càng có tiền. Dự Niên còn lâu mới bỏ quá cái mối này.
Hắn thay đổi xưng hô, đáp:
“Tiên sinh đã có ý tốt như thế ta cũng không tiện từ chối. Để cảm ơn bộ quần áo, ta sẽ hộ tống tiên sinh hồi thành.”
“Ấy ấy, thiếu hiệp đừng gọi ta là ‘tiên sinh’, một vài người trong thành sẽ không thích đâu.”
Triệu Khương thở dài, nhưng thực chất thì lão lại khá vui. Đại Khánh hiện nay là sĩ, nông, công, thương; một thương nhân như lão thật sự không sở hữu địa vị cao, nên danh xưng “tiên sinh” thực chất lại là một ước mơ hão huyền.
Dự Niên biết rõ điều đó, bởi ông nội hắn là một trong những người đứng đầu “sĩ”. Ở thời đại này, tri thức và chữ nghĩa đóng vai trò rất cao, không thì Dự Niên đã chẳng bỏ bê luyện võ ở giai đoạn đầu để đọc sách.
Thương nhân có tiền, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn đa phần bách tính, nhưng số tiền ấy cũng có thể bị sung vào công quỹ nếu bị quan phủ kết tội. Nói chung, thương nhân thời phong kiến muốn tồn tại và giữ được tiền của trong tay thì phải cung phụng cho quan lại, gọi là cúc cung tận tụy cũng chẳng sai.
Trên suốt đường đi, Triệu Khương nói khá nhiều chuyện, có vẻ như lão không phải người sẽ dễ dàng yên tĩnh trong thời gian dài. Dẫu vậy, lắng nghe câu chuyện của lão cũng giúp Dự Niên hiểu được thêm một số tình hình đang diễn ra ở thành Tương Dạ.
Sắp tới là lễ Tết cổ truyền nên nhu cầu vải vóc và quần áo đột nhiên tăng mạnh. Hàng hóa nhanh chóng trở nên khan hiếm nên giá cả leo thang chóng mặt. Dẫu vậy, dù đắt đỏ đến đâu thì cũng không thiếu người vung tiền để có những bộ quần áo mới phục vụ cho nhu cầu du xuân.
Triệu Khương chỉ là một thương buôn nhỏ nên không lấy được nguồn hàng. Phần lớn nguồn hàng đều đã được các cửa tiệm lớn thâu tóm rồi, nên lão buộc phải đi xa hơn để kiếm. Tuy rằng hơi tốn thời gian, nhưng ông trời không phụ lòng lão, lão đã có được nguồn hàng, dù rằng chẳng nhiều lắm, song lại thừa sức bù vốn cho lão.
Có điều, sự xuất hiện của hai tên thổ phỉ lại khiến lão nghĩ đến một tình huống khác khi tỉnh táo. Có vẻ như… mọi chuyện không đơn giản nữa.